TP.HCM: Năm 2020 thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 8.800 USD

(VOH) - Sáng 14/4/2014, UBND TP.HCM đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà dự và chỉ đạo hội nghị.

Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 - 10,5% mỗi năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 9,5 - 10% mỗi năm và giai đoạn 2012 - 2025 đạt 8,5 - 9% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.

Về phát triển công nghiệp - xây dựng, TP.HCM sẽ tập trung vào những ngành, lĩnh vực có hàm lượng giá trị gia tăng cao, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, hóa dược - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm) và các ngành công nghệ sinh học, công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng, phát triển công nghiệp thời trang ngành dệt may, da giày.

Hiện nay GDP bình quân đầu người của thành phố chỉ là 4.513 USD/người. Theo quy hoạch, đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người (GDP) theo giá thực tế đạt hơn 4.800 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.400 đến 8.820 USD và đến năm 2025 đạt từ 13.300 - 14.300 USD/người..

Về không gian phát triển đô thị khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và bốn cực phát triển. Khu trung tâm thành phố sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, quận 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha), khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha) và bốn trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nguyên cứu phát triển cho hay: “Về tổ chức lãnh thổ hệ thống khu công nghiệp, tổ chức không gian TP theo mô hình tập trung không gian đa cực, đa tâm với trung tâm tổng hợp là tại khu vực trung tâm hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phát triển thành phố theo 2 hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển, hai hướng phụ là hướng Tây - Tây Bắc và hướng Tây - Tây Nam”.


Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, sắp tới thành phố sẽ tập trung hoàn thành tuyến đường vành đai 2 nối Xa lộ Hà Nội với các trục giao thông kết nối khu công nghệ cao, các khu vực sản xuất công nghiệp phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng các đường vành đai 3, vành đai 4 không qua xuyên tâm thành phố kết nối đến khu Nhơn Trạch (Đồng Nai) nhằm giảm áp lực giao thông qua khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện và hoàn thành các quy hoạch chi tiết chuyên ngành cơ sở hạ tầng giao thông vận tải quy hoạch tổ chức giao thông đô thị và triển khai thực hiện sau khi các quy hoạch được phê duyệt.

Đến năm 2015, tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt khoảng 8,2%; đến năm 2020 đạt khoảng 12,2% và đến năm 2025 đạt khoảng 16 - 20%. Để thực hiện các mục tiêu trên, tổng nhu cầu vốn đầu tư để phát triển TP.HCM giai đoạn từ năm 2011 - 2025 ước khoảng 9 - 10 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm từ 8 - 12%.

Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo, các sở ngành, quận huyện tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư bởi thực hiện quy hoạch này cần phải có nguồn vốn rất lớn: “Vấn đề đầu tư hạ tầng chiếm một số vốn rất quan trọng. Để đề ra các dự án, mục tiêu này đòi hỏi ngồn vốn rất lớn nếu chúng ta không có cách làm, có những chỉ đạo cụ thể, không tiết kiệm thì lãng phí lớn nguồn lực, thậm chí tiêu cực”. 


Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP, khai thác nguồn vốn từ quỹ đất, phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, khai thác nguồn vốn ODA.

Cũng trong sáng nay, UBND TP công bố Quy hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, định hướng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có TP.HCM là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành vành đai công nghiệp - đô thị của vùng theo hướng hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TP.HCM mà chuyển dần các cơ sở công nghiệp sang khu vực còn cơ hội phát triển, nhất là các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Tiền Giang.

Dự kiến đến năm 2020, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có dân số khoảng 21 - 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%. Tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8 - 8,5% mỗi năm và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8,5 - 9% mỗi năm.