Đoàn đại biểu Quốc hội nghe báo cáo việc thực hiện cổ phần hóa DNNN tại TPHCM. Ảnh: SGGP
Theo báo cáo của Ban đổi mới và Quản lý doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2014, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi, cổ phần hóa 11/15 doanh nghiệp. Về việc thoái vốn, đến nay thành phố đã có 10/14 Tổng công ty, Công ty mẹ - Cty con thực hiện thoái vốn tại 43 doanh nghiệp, giá trị thu về đạt gần 648 tỷ đồng.
Về tình hình sắp xếp lại 25 doanh nghiệp nhà nước, đến nay, thành phố đang tiến hành cho phá sản 3/9 doanh nghiệp, giải thể 1/7 doanh nghiệp, bán 1/5 doanh nghiệp và sắp xếp khác 2/4 doanh nghiệp.
Trong năm 2015, thành phố tiếp tục cổ phần hóa 21 doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, thực hiện hoàn thành trước kế hoạch đề ra và xem xét điều chỉnh tỉ lệ thoái vốn cho phù hợp tình hình thực tế, tổng số vốn phải thoái dự kiến là 3.606 tỷ.
Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết khó khăn của doanh nghiệp trong việc cổ phần hóa là việc định giá tài sản, định giá thương hiệu. Riêng về việc thoái vốn thì các doanh nghiệp khó tìm được đối tác thoái vốn. Đoàn đại biểu quốc hội yêu cầu thành phố đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn. Tuy nhiên, thành phố cần lưu ý việc xác định doanh nghiệp nào cần cổ phần, doanh nghiệp nào nhà nước cần tiếp tục giữ lại.
Ông Trần Du Lịch - Phó Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội Thành phố lưu ý: "Phải xem xét những lĩnh vực nào cần thiết cho nền kinh tế mà tư nhân không làm, nhà nước phải làm để mở đường khai thác như: Khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung,… Còn lĩnh vực thành phố có chủ trương đầu tư trước đây như nông nghiệp, y tế kỹ thuật cao thì nhà nước phải nắm giữ và đầu tư để mở đường".