TPHCM mở rộng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh

(VOH) - Theo báo cáo của Chi cục thú y TP tại hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật giai đoạn 2011-2015 và triển khai Chương trình hoạt động 2016-2020 diễn ra hôm nay 1/6: trong 5 năm qua, tính đến năm 2015, tổng đàn bò sữa đạt trên 100.000 con, tăng bình quân gần 8%/năm. Đàn heo gần 380.000 con, tăng hơn 1%/năm.

Các đơn vị của TP đã thực hiện tiêm phòng gia súc, giám sát dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo, heo tai xanh, bệnh dại trên vật nuôi, tập huấn tuyên truyền, hợp tác với các địa phương để thực hiện chuỗi an toàn thực phẩm động vật và sản phẩm động vật, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật...

Đến nay, Cục thú y đã công nhận vùng TPHCM an toàn bệnh lao và bệnh sảy thai truyền nhiễm trâu bò, 147 phường xã của 24 quận huyện an toàn bệnh dại, 64 cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo, heo tai xanh. 4 cơ sở cá cảnh an toàn với bệnh virus mùa xuân.

Ảnh minh họa - Nguồn: KTNT

Trong giai đoạn 2016-2020, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh ở TP tiếp tục được thực hiện, đến năm 2018, công nhận huyện Củ Chi là vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và đến năm 2020 nhân rộng đối với 2 huyện chăn nuôi trọng điểm là huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Xây dựng 80% cơ sở chăn nuôi bò sữa quy mô trên 100 con áp dụng quy trình chăn nuôi VietGap, trong đó có 50% cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh, 30% cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGap. 95% cơ sở chăn nuôi heo tập trung quy mô trên 500 con áp dụng quy trình chăn nuôi VietGap. Đến năm 2020 xây dựng và được công nhận vùng TPHCM là vùng an toàn với bệnh dại".

Đóng góp ý kiến về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho cơ sở chăn nuôi heo, bà Phùng Khánh Ngân, ở ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi cho rằng: “Việc thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn heo, trong đó có một số biện pháp quan trọng như cần phải tiêm phòng đầy đủ và tiêm phòng bổ sung thường xuyên vaccin lở mồm long móng, dịch tả và các loại vaccin khác cho đàn heo nái và heo con. Thực hiện nghiêm túc việc lập hố sát trùng tại đầu các dãy chuồng và sát trùng định ký chuồng trại, vật dụng chăn nuôi theo hướng dẫn của thú y”.

Phát biểu chỉ đạo về công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP lưu ý: “Thứ nhất phải tiếp tục duy trì và mở rộng vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh, để tiến tới được công nhận nhiều hơn, nghĩa là chúng ta yên tâm hơn và giảm thiểu được tối đa những trường hợp tổn thất về kinh tế. Một vấn đề nữa cũng phải tiếp tục là thống kê, cập nhật, có những hộ chăn nuôi mới phát sinh phải cập nhật ngay. Chi cục thú y cùng với các đơn vị đặc biệt là bà con chăn nuôi có nhu cầu thì tiếp tục mở rộng huấn luyện, tập huấn để tiến tới chứng nhận VietGap cho bà con”.