Ảnh: thoibaonganhang
Tại hội nghị, các báo cáo viên đã giới thiệu về các cam kết về thuế, về mua sắm chính phủ trong khuôn khổ Hiệp định TPP và EVFTA, cơ hội và thách thức từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - kết quả, cơ hội và thách thức, một số khuyến nghị.
Theo đó, bên cạnh các cơ hội thì các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đặt ra thách thức cho cả doanh nghiệp và các nhà quản lý.
Đối với cơ quan quản lý là sức ép cần thay đổi tư duy làm chính sách, thay đổi tư duy quản lý để tương tác tốt hơn với khu vực doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp tốt hơn và làm tốt chức năng của nhà nước kiến tạo trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng.
Đối với doanh nghiệp đó là sức ép cạnh tranh, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung cam kết liên quan đến lĩnh vực của mình thì mới có thể nắm bắt đúng nội dung cần quan tâm và có câu trả lời đúng.
"Buổi phổ biến về các hiệp định vừa ký kết ngày hôm nay chỉ là mở đầu, là dẫn đề cho các hoạt động tiếp theo. Sau đó, Bộ Công Thương và đoàn đàm phán sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức các hội nghị với nội dung chuyên sâu hơn dành riêng cho các doanh nghiệp, các hiệp hội chuyên ngành", ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cho biết.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện nay bản dịch tiếng Việt toàn văn về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang được hoàn thiện và sẽ sớm công bố để người dân và doanh nghiệp nghiên cứu.