TPHCM tăng cường giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

(VOH) - Nhiều ý kiến được trao đổi thẳng thắng, cởi mở, chỉ ra những rào cản gây sức ì cho nền kinh tế đất nước giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, diễn ra sáng nay (3/7).

Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo và doanh nghiệp TPHCM

Nghị quyết 35 của Chính phủ là động lực khuyến khích các doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, muốn phát triển trước hết phải phát triển được thị trường; các doanh nghiệp phải chọn thị trường thích hợp để đầu tư. Năm 2017; 2018, các chính sách, Hiệp định Thương mại Quốc tế của các ngành nghề khi gia nhập TPP, FTA và cộng đồng kinh tế Asean… tất cả lộ trình thuế về bằng 0, do đó, các doanh nghiệp phải dự báo được thách thức và sân chơi, chuẩn bị cho được chất lượng sản phẩm, hệ thống quản lý chất lượng phải đảm bảo đúng quy chuẩn quốc tế thì mới hội nhập và vào được chuỗi cung ứng của thế giới. Đặc biệt là các thủ tục, giấy chứng nhận xuất xứ về nguồn nguyên vật liệu. Về vấn đề này ông Trần Quốc Toản,Tổng Công ty Cơ khí Sài Gòn (Samco) kiến nghị.

Về phía Samco cũng đã phát triển và dựa vào khoa học công nghệ, thay đổi công nghệ để tăng hiệu quả sản xuất và quản lý kinh doanh. Qua đó, Samco đã sản xuất được xe sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường, tiết kiệm được nhiên liệu dầu diesel khoảng 30-40% và đã được Bộ Khoa học Công nghệ cho phép sử dụng trong phương tiện giao thông công cộng.

Hiện nay, toàn bộ khối tư nhân và hợp tác xã đã bỏ tiền ra đầu tư đối mới phương tiện chạy bằng khí diesel, không chỉ áp dụng cho giao thông công cộng, mà còn cho các loại hình khác. Vừa rồi Tập đoàn Dầu khí cũng hợp tác với Samco khảo sát mỏ khí ở Thái Bình (phía Bắc) và hiện đang triển khai tất cả các loại hình vừa giao thông, xe khách, và xe tải cũng có thể áp dụng được nếu địa bàn phát triển từ Nam ra Bắc. Nếu phát triển loại hình này thì sẽ giúp tiết kiệm được ngân sách quốc gia, giảm ô nhiễm môi trường và chống ùn tắc giao thông. Đồng thời, kiến nghị TP nên có chính sách hỗ trợ tiền thuê và giá thuê đất cho doanh nghiệp bởi hiện nay TP vẫn còn nhiều khu công nghiệp để trống.

Gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ODA

Ông Nguyễn Lộc - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dây Cáp điện (Cadivi) cho biết, mục tiêu của doanh nghiệp cũng giống như mục tiêu của TP, chỉ còn 4 năm nữa, phấn đấu đến năm 2020, TP sẽ có 500.000 doanh nghiệp, đây là mục tiêu có nhiều tham vọng nhưng thực hiện được không phải dễ. Muốn đạt được mục tiêu này, theo ông Lộc, cần phải có nhiều chương trình tạo tinh thần khởi nghiệp, vườn ươm, kể cả tạo ra các chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu của mình.

Ông Lộc cũng cho rằng, trong quá trình hội nhập, khi tham gia đàm phán, đôi lúc cơ chế VN chúng ta vẫn còn “ưu ái” hơn cho doanh nghiệp nước ngoài. Chẳng hạn FTA với Hàn Quốc, chúng ta ưu đãi cho dây cáp điện của Hàn Quốc qua VN nhưng ngược lại, khi công ty ông xuất khẩu dây cáp của Việt Nam qua Hàn Quốc lại không được hưởng ưu đãi gì, kể cả một số dự án ODA của Việt Nam cũng vậy. Hiện nay khi triển khai dự án ODA, chẳng hạn tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, khi công ty ông tham gia vào dự án này, họ đưa ra một rào cản kỹ thuật đó là buộc phải có chứng nhận quản lý chất lượng của Singgapore. Trong khi đó, điều kiện này chỉ có doanh nghiệp nào từng sản xuất dây cáp điện tại Singapore mới có chứng nhận đó.

Từ bất hợp lý này, ông Lộc kiến nghị với lãnh đạo TP trong quá trình tiếp nhận dự án ODA nên có thông tin thêm cho các doanh nghiệp trong nước hiểu rõ các quy trình, thủ tục để có sự chuẩn bị tốt hơn.

Giấy phép con, thủ tục rườm rà

Về chủ trương thành lập chính quyền điện tử, các doanh nghiệp đồng tình nhưng than phiền quy trình thủ tục vẫn còn rất rườm rà. Thực tế khi xin văn bản nào đó, doanh nghiệp phải mất 5 tuần lễ từ sở ngành xuống quận huyện và ngược lại, trong khi quy định chỉ mất 5 ngày. Trong Nghị quyết 35 chính phủ có đề cập đến việc hỗ trợ doanh nghiệp quỹ đất, nguồn vốn, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận được đất đai, nguồn vốn, chi phí sản xuất. Hiện nay, chi phí logistics các doanh nghiệp VN cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, điều này là một áp lực và gánh nặng. Ông Nguyễn Quốc Anh bày tỏ lo ngại.

 

Theo ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp khu công nghiệp TP, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản đầy rẫy những giấy phép con, kể cả điều kiện nộp thuế và kinh doanh rườm rà, sửa đổi những quy định dưới Luật, nghị định và thông tư mà doanh nghiệp vướng mắc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại buổi gặp gỡ

Phấn đấu đến năm 2020 thành lập 500.000 doanh nghiệp

Sau khi nghe các doanh nghiệp giải bày về những khó khăn phải đối mặt, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định, chính phủ xác định vai trò rất qua trọng của doanh nghiệp, doanh nhân, đề ra Nghị quyết 35 với mục đích là tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp với mục tiêu đến 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp. Theo thông lệ quốc tế, đối với nước phát triển bình quân 10 người dân có 1 doanh nghiệp. Ở VN chúng ta có 500.000 doanh nghiệp với 100 triệu dân, đối với TP, có 278.000 doanh nghiệp nhưng thực tế hoạt động chỉ có khoảng 170.000 doanh nghiệp.

Bí thư Thăng khẳng định, mục tiêu đến năm 2020 thành lập 500.000 doanh nghiệp là hoàn toàn không mơ hồ dựa trên đánh giá căn bản, toàn diện của thành phố. Đối với nguồn vốn ODA mà doanh nghiệp nêu, Bí thư Thăng đề nghị thành phố nên có báo cáo và đề xuất với Chính phủ.

Nâng cao tính chủ động và hợp tác trong doanh nghiệp

Trước nhiều vấn đề đặt ra của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị doanh nghiệp Việt cần nâng cao tính chủ động và hợp tác trong doanh nghiệp, thay đổi tư duy mọi người cùng thắng, tiếp tục tái cơ cấu, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, năng lực quản trị.

Hiện nay, thành phố đang chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu, đánh giá được mức độ phát triển của thành phố như thế nào, xây dựng thương hiệu của thành phố. Hiện cả nước cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 tập trung xây dựng từ 5 đến 10 tập đoàn kinh tế đứng trong top 3 trong tập đoàn lớn nhất châu Á…

Thành phố sẽ đẩy mạnh cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, làm việc với các hội ngành nghề, tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, dự kiến sẽ bố trí 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp vừa và nhỏ, hình thành các vườn ươm doanh nghiệp. Sắp tới, thành phố sẽ tổ chức khảo sát, đo lường chất lượng hài lòng, tinh thần thái độ phục vụ của các cán bộ công chức đối với doanh nghiệp và người dân.