Sáng nay (27/12), Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc tổng kết tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và đề ra kế hoạch năm 2015.
Theo báo cáo, năm 2014, trước tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, hoàn thành 22/29 chỉ tiêu kinh tế- xã hội. Nhờ các giải pháp tích cực, kinh tế thành phố trong năm 2014 đã có sự chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm nội địa đạt gần 853.000 tỷ đồng, tăng 9,6%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ chiếm 59,6%, công nghiệp chiếm 39,4% và nông nghiệp chiếm 1%.
Công nghiệp chiếm 39,4% trong kinh tế thành phố. Ảnh minh họa: baodautu
Chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng 1,65%, thấp hơn so với cùng kỳ, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành phố có kết quả bước đầu, đầu tư trong nước và nước ngoài đạt kết quả cao, công nghiệp hỗ trợ được quan tâm.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư thành phố, đánh giá: "Về tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2014 kế hoạch chúng ta đề ra là 9,5- 10%, như vậy chúng ta đạt trên mốc khởi điểm, so với bình quân chung của cả nước thì chúng ta tăng gấp 1,6 lần. Tiếp tục đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (năm 2012 GDP đạt 9,2%, năm 2013 đạt 9,3% và năm 2014 đạt 9,6%), đây là mức cao so với tình hình khó khăn hiện nay của cả nước nói chung".
Riêng công tác chuẩn bị hàng cho dịp tết Ất Mùi, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã hoàn tất kế hoạch cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho dịp Tết. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng cho tết Ất Mùi 15.849 tỷ, tăng 109% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị hàng hóa của các doanh nghiêp tham gia bình ổn thị trường là hơn 8.300 tỷ. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.262 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861 tỷ đồng.
Về giá cả, các doanh nghiệp cam kết sẽ giữ giá ổn định trong những tháng trước trong và sau tết. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký cụ thể chương trình khuyến mại, giảm giá các mặt hàng thiết yếu vào những ngày cận tết để thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hỗ trợ người dân thành phố mua sắm phục vụ tết. Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương thành phố, cho biết: "Các doanh nghiệp đã chuẩn bị khả năng cung ứng tăng bình quân khoảng 62,9% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 79,5% so với tết Giáp Ngọ. Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo cho Sở Công Thương và các ngành liên quan là không chỉ nghe báo cáo mà phải đi đến tận nơi, chúng tôi đã đến An Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp,… để kiểm tra nguồn hàng tại chỗ nên việc chuẩn bị này là hoàn toàn có cơ sở".
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011- 2015). Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế tăng trưởng hợp lý. Cụ thể, phấn đấu GDP trên địa bàn tăng từ 9,5% trở lên. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 30% GDP, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn cả nước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 8- 10%, tổng thu ngân sách đạt 265.776 tỷ đồng. "Ngay từ cuối năm 2014, thành phố đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2015. Song song đó, chúng tôi cũng chỉ đạo chuẩn bị các nguồn lực về nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, nguồn lực tài chính,… Năm 2015, chúng ta có những sự kiện chính trị quan trọng, đây cũng là động lực tinh thần quan trọng để thành phố thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2015", ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhấn mạnh.
Thành phố đã đề ra 10 giải pháp chủ yếu, trong đó nhấn mạnh các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng… Góp phần tích cực cùng cả nước hoàn thành đạt và vượt các nhiệm vụ kế hoạch năm 2015, tạo thế và lực để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2016-2020.