Tại cuộc họp, Sở Công Thương TPHCM cho biết sau 1 năm mở cửa tái khởi động và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế - xã hội hậu COVID-19, các hoạt động sản xuất-kinh doanh trên địa bàn TP đã trở về trạng thái bình thường so với thời điểm trước dịch.
Một số ngành, lĩnh vực đang có chiều hướng tăng trưởng tốt, mang lại kỳ vọng mới cho sự phát triển trong thời gian tới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 9 ước tăng 1% so với tháng trước và tăng 89,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2022, IIP ước tăng 19,6%so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 12,9%).
Tuy nhiên, TPHCM cũng như cả nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do chiến sự giữa Nga và Ukraine kéo dài, tác động đến kinh tế toàn cầu; giá xăng dầu tăng làm phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm...
Đặc biệt, những ngày qua nhiều cửa hàng xăng dầu tại TPHCM vẫn đang tạm ngừng kinh doanh do phía đơn vị cung cấp thiếu hoặc không còn xăng để cung ứng, làm ảnh hưởng đến đi lại và sinh hoạt của người dân.
Trong tháng 9/2022, lượng xăng dầu nhập khẩu cả nước giảm mạnh, trong đó mặt hàng xăng giảm đến trên 50% cả về sản lượng lẫn trị giá, so với tháng trước.
TPHCM hiện có 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu; 60 thương nhân phân phối; 1 thương nhân làm tổng đại lý; 29 đại lý bán lẻ; 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Sáng 12/10 cho thấy nhiều cây xăng ở TP.HCM đã mở bán bình thường với lượng khách hàng không quá đông đúc, người dân vì thế cũng không còn phải đợi chờ lâu.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Petrolimex Saigon, bình quân 9 tháng đầu năm, sản lượng bán lẻ xăng dầu các loại thuộc sở hữu của đơn vị này khoảng 1.500 m3/ngày, tuy nhiên từ đầu tháng 10 có rục rịch một số cửa hàng của đơn vị kinh doanh khác tạm ngừng vì nhiều lý do, do đó nhu cầu trên địa bàn tạm thời gây áp lực lên Petrolimex Saigon.
Cụ thể, ngày 8/10 sản lượng tăng lên đến 1.800 m3, còn trong các ngày 10-12/10 đạt khoảng 3.100 m3/ngày, tức tăng hơn 200%. Tuy nhiên, từ 15h chiều 11/10 đến 12h ngày 12/10, áp lực lên các cửa hàng của Petrolimex Saigon đã giảm 30%, dù nhìn chung sản lượng vẫn tăng 135% so với bình quân.
Đánh giá về tình hình nguồn cung xăng dầu, ông Đào Văn Hùng, Phó giám đốc Petrolimex Saigon cho biết: "Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều, từ quá trình tạo nguồn, nhập khẩu đến phân phối, xuất hàng linh hoạt, kéo dài thời gian xuất đêm, tăng gấp đôi lượng xe bồn lưu thông và hoạt động này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Lượng tồn kho đến sáng 12/10 vẫn trên 300.000 m3, từ mai đến cuối tuần thêm 100.000 m3 nữa, như vậy nguồn cung chúng tôi đảm bảo đến hết tháng 10. Tôi tin với tình hình điều chỉnh giá và điều hành của cơ quan chức năng, thì 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường".
Theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn khác vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống như Pvoil tồn kho đến ngày 8/10 còn khoảng 230 nghìn m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19 nghìn m3; Saigon Petro còn khoảng 11 nghìn m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45 nghìn m3; Thanh Lễ còn khoảng 60 nghìn m3...
Qua trao đổi, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.