Vàng thế giới "bắt tay" USD đẩy giá vàng trong nước tăng kỷ lục

(VOH) - Mở cửa thị trường sáng nay 6/7, giá vàng trong nước tăng mạnh tới 1,1 triệu đồng so với chốt phiên trước. Đài TNND TPHCM (VOH) phỏng vấn ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB) về "cú tăng" ngoạn mục này của giá vàng.

Tại thời điểm 9 giờ 10 phút, giá vàng niêm yết tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 37,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 38 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Đây là mức tăng được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân của việc giá vàng tăng đột biến là gì.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (Ảnh: VNEconomy).

 

Nghe nội dung:

* VOH: Thưa ông, nguyên nhân dẫn đến việc giá vàng tăng mạnh trong phiên hôm nay?

Ông Trần Thanh Hải: Thứ nhất, bản thân giá vàng thế giới giảm thì giảm rất nhẹ nhưng xu thế thì vẫn tăng. Đêm qua, chỉ số Dow Jones đã tụt xuống 108 điểm. Như vậy có thể nói, tình hình kinh tế thế giới sau sự kiện Brexit - sự kiện lớn thứ hai sau sự kiện Mỹ tung gói kích cầu từ năm 2008-2011 - đã làm cho đồng bảng Anh xuống giá sau 37 năm; thêm vào đó, đồng Euro cũng mất giá, đồng Yên Nhật cũng mất giá, cuối cùng là đồng USD, là nguyên nhân làm giá vàng thế giới tăng.

* VOH: Theo ông, giá vàng trong nước tăng có nguyên nhân bất thường gì không?

Ông Trần Thanh Hải: Tôi cho rằng không bất thường vì “nước lên thì thuyền lên”. Ở đây là sự cộng hưởng. Thông thường khi tỷ giá USD tăng, chỉ số USD index tăng, tức là đô la so với 6 loại ngoại tệ khác (trong đó có bảng Anh, Euro) tăng thì giá vàng giảm. Nhưng, nếu chú ý thì sau kỳ Brexit từ ngày 24/6 tới hôm nay (6/7), chỉ số USD tăng nhưng giá vàng cũng tăng.

Điều này cho thấy, tình hình hậu Brexit là sự đảo lộn của thị trường tài chính thế giới liên quan đến đồng bảng Anh và đồng Euro.

Chính vì thế, những nhà đầu tư đặc biệt là khu vực châu Âu và các khu vực khác trên thế giới có tâm lý bán tháo đồng bảng Anh và đồng Euro để mua USD hoặc vàng. Cùng  lúc, vàng và USD trở thành kênh đầu tư trú ẩn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Đối với Việt Nam, giá vàng trong nước là tích số của hai nhân tố là giá vàng thế giới và tỷ giá USD. Trong thời điểm này, hai nhân tố đều tăng cùng một lúc. Trong những lần trước, nếu USD tăng thì giá vàng thế giới giảm và ngược lại nhưng lần này USD cũng tăng và giá vàng thế giới cũng tăng.

Hai tác nhân này cộng hưởng làm cho giá vàng trong nước tăng. Do đó, tôi cho rằng giá vàng trong nước tăng đợt này là có cơ sở.

* VOH: Ông dự báo xu hướng giá vàng thời gian tới?

Ông Trần Thanh Hải: Rất khó dự báo giá vàng thế giới từ đây đến cuối năm bởi hậu Brexit, các chuyên gia trên thế giới vẫn chưa lường trước được. Như sự kiện kích cầu của Mỹ tung ra từ năm 2008-2011 làm giá vàng lên đỉnh vào tháng 9/2011. Do đó, trong ngắn hạn (tính bằng tuần) thì giá vàng vẫn ở mức cao, vùng giá 33- 34 triệu là không còn.

Trong trung hạn, tôi vẫn thấy rằng Brexit này không mạnh bằng kích cầu của Mỹ, do đó giá vàng sẽ tăng tới một chừng mực nào đó và sẽ giảm nhưng về mức 33 triệu cũng hơi khó.

Các nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng trong điều kiện vùng giá vàng cao như vậy. Nếu chúng ta để dành thì hợp lý nhưng nếu vay mượn để đầu cơ lướt sóng thì phải hết sức cẩn trọng.

Hiện nay, thị trường vàng sàn Comex đã điều chỉnh biên độ tăng 22,2%, tức là những ai kinh doanh vàng thì tỷ lệ ký quỹ đã tăng lên 22%, tức là đã có cảnh báo rủi ro y như hồi tháng 9/2011.

VOH: Cám ơn ông!