Xăng E5 ế ẩm, doanh nghiệp gặp khó

(VOH) - Tại TPHCM, thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất cả nước – việc triển khai bán xăng sinh học E5 đã được thực hiện đúng lộ trình, nhưng đến nay phần lớn người dân vẫn chưa quan tâm đến xăng E5.

Một điểm bán xăng sinh học E5 (Ảnh: PVOIL)

Do chưa hiểu hết về tính năng thân thiện với môi trường của loại xăng này, đồng thời do thói quen nên người tiêu dùng vẫn chủ yếu sử dụng hai loại xăng truyền thống là A92 và A95.  

Thị trường thờ ơ

Một số người dân chia sẻ:

“Xăng truyền thống tôi dùng trước giờ quen rồi, xăng E5 thì phải đợi một thời gian xem người ta dùng có ổn không thì tôi mới dùng.

 Tôi đi xe tay ga nên chỉ sử dụng xăng A95, còn xăng E5 thì cũng có nghe nhưng mà thấy ít người dùng. Nếu như nhiều người sử dụng thì tôi cũng dùng theo”.

Người tiêu dùng chưa mặn mà đã khiến nhà phân phối cũng đành quay lưng với xăng E5 do không đạt hiệu quả trong kinh doanh. Tại TPHCM, tính đến hết tháng 4/2016 mới có khoảng 50% cửa hàng bán xăng E5, sản lượng tiêu thụ bình quân chỉ chiếm 6.3% tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại thành phố. Ông Bùi Thiên Lộc, Trưởng Chi nhánh số 1, công ty cổ phần COMECO cho biết: “Tại sao đến giờ chúng tôi mới chỉ có 1 vòi bán xăng E5, đó là do ngoài việc bán xăng cho khách vãng lai thì chúng tôi còn ký hợp đồng với rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân, nhưng chưa có đơn vị nào ký hợp đồng sử dụng xăng E5 với chúng tôi nên hiện giờ việc triển khai của chúng tôi cũng hơi ít”.

Doanh nghiệp ngưng hoạt động, nông dân lao đao

Là một trong số những đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn nhất miền Nam, Saigon Petro đã thực hiện phối trộn và tiêu thụ thử nghiệm xăng E5 từ năm 2010. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình sử dụng xăng sinh học, đơn vị này đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống phối trộn xăng E5 tại nhà máy lọc dầu Cát Lái và tổng kho tại Cần Thơ, đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng cho hệ thống phân phối. Tuy nhiên do sản lượng tiêu thụ của xăng E5 quá thấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà máy này.

Ông Phạm Văn Thoại – Giám đốc nhà máy lọc dầu Cát Lái cho rằng: “Hiện nay giá bán lẻ xăng E5 được xác định dựa trên giá bán lẻ xăng khoáng RON 92 trừ đi khoảng 500 đồng/lít. Việc xác định như trên chưa hợp lý do nguyên liệu E100 không tăng, giảm tương ứng với giá nguyên liệu xăng khoáng, và kết quả là các đơn vị khi pha xăng E5 bị thua lỗ hoặc hiệu quả không bằng khi bán xăng khoáng RON 92. Do vậy, việc quy định giá bán xăng E5 như trên không khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối phối trộn sản xuất cũng như các đại lý”.

Hiện cả nước có khoảng 7 nhà máy sản xuất ethanol – loại nguyên liệu chính để sản xuất xăng sinh học. Trong đó có 4 nhà máy có thể sản xuất ngay nguyên liệu E100. Tuy vậy, đến ngày 30/4/2016, tổng lượng cồn sinh học ethanol đang dùng để pha E5 tại Việt Nam mới đạt khoảng 2.000 tấn/tháng, tương đương 24.000 tấn/năm, tức là chỉ bằng 1/8 công suất thiết kế của các nhà máy hiện có. Trong khi đó, các nhà máy ethanol có vốn đầu tư từ 500 – 1.000 tỷ đồng và công suất thiết kế lên đến 50.000 tấn/năm.

Nhu cầu của thị trường chưa cao nhưng việc quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà máy ethanol quá lớn và ồ ạt đã dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu. Hệ quả là nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động như nhà máy ethanol Bình Phước với tổng vốn đầu tư là 2.200 tỷ đồng, công suất 300.000 lít ethanol/ngày. Ông Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc nhà máy ethanol Bình Phước cho biết: “Nguyên nhân trước hết là do nhu cầu thị trường, thứ hai là do giá dầu thô giảm mạnh, kéo theo là giá ethanol cũng giảm theo. Thứ ba là theo hiệp định thương mại của các nước ASEAN thì từ 1/1/2015, đối với sản phẩm E100 nhập khẩu từ các nước như Thái Lan, Philippines sẽ có thuế ưu đãi là 0% so với 20% trước kia”.

Mục tiêu là để sản xuất ethanol xuất khẩu và để pha trộn xăng sinh học E5 phục vụ thị trường trong nước, nhưng hiện thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, còn thị trường trong nước chưa mặn mà do không bắt buộc sử dụng xăng E5, bên cạnh đó, giá bán ethanol thấp hơn đến 300.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất, trong khi giá xăng E5 cũng chưa hấp dẫn người dân và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã tạo nên sức ép vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Mặt khác, giá nguyên liệu sắn cung cấp cho các nhà máy sản xuất ethanol đang cao hơn so với tính toán ban đầu, khiến tình hình hoạt động của nhà máy đã khó nay càng khó hơn. Thiết kế cung vượt cầu, đầu ra bế tắc đã khiến nhà máy phải “trùm mền” vì không có thị trường tiêu thụ. Điều này còn kéo theo hệ lụy đáng lo khi hàng ngàn hộ dân vùng chuyên canh trồng sắn phục vụ cho nhà máy ethanol phải lao đao tìm đầu ra cho lượng sắn dôi dư quá lớn.

Kiến nghị Nhà nước hỗ trợ

Có thể nói sức ép về thị trường tiêu thụ của các nhà máy ethanol tại nước ta hiện nay là vô cùng lớn, và giải bài toán về đầu ra cho ethanol cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho nghề trồng sắn của các địa phương. Hiện nhiều địa phương và doanh nghiệp đã kiến nghị Nhà nước hỗ trợ bằng chính sách hỗ trợ giá, chế tài đối với các địa phương không tham gia bán xăng E5 và phải thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92 bằng xăng E5, bởi đây là điều kiện tiên quyết để lộ trình sử dụng xăng sinh học bảo vệ môi trường được thành công. Bên cạnh đó, chính sách thuế và giá phải thể hiện sự ưu đãi đối với nhiên liệu sinh học.

“Tất cả các chương trình nhiên liệu sinh học đều cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, từ hỗ trợ nguồn nguyên liệu, hệ thống công nghệ, hệ thống phân phối. Trong sự hỗ trợ này có 2 vấn đề, thứ nhất là về thuế, thứ 2 là về vốn cho các đối tượng tham gia trong quy trình sản xuất từ cung ứng nguyên liệu đến sản xuất và phân phối”, PGS. TS. Huỳnh Quyền – chuyên gia về công nghệ lọc hóa dầu đề xuất. 

Còn ông Nguyễn Thái Sơn – Phó Giám đốc nhà máy ethanol Bình Phước thì kiến nghị: “Nên giữ nguyên lộ trình sử dụng xăng sinh học, thứ hai là ban hành các chính sách sử dụng nhiên liệu sinh học bắt buộc, thứ ba là có các chính sách trợ giá như tái cấu trúc nợ, khoanh nợ để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động trở lại. Ngoài ra phải có chính sách hạn chế nhập khẩu và ưu tiên sử dụng nguồn nhiên liệu sinh học trong nước trước”.

Gỡ khó trong sản xuất kinh doanh cồn sinh học ethanol và xăng sinh học E5, đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích về môi trường của xăng E5 tới người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh xăng dầu, chặt chẽ trong khâu kiểm định, đánh giá đúng chất lượng xăng dầu, giá thành phù hợp, quyết tâm đưa xăng sinh học vào sử dụng đại trà…là những giải pháp cấp thiết đế nước ta thực hiện thành công lộ trình sử dụng xăng E5 vì môi trường và vì an ninh năng lượng quốc gia./.