Chờ...

Xu hướng nghiện thức ăn nhanh của giới trẻ và nỗi lo xâm lấn văn hóa ẩm thực của người Việt Nam

(VOH) - Khi nghĩ về hai từ xâm lấn ta có thể hình dung đây là từ ghép của từ xâm nhập và lấn chiếm. Xâm nhập có nghĩa là tiếp cận, sau đó dần dần sẽ thay thế và lấn át dần thực thể tại địa phương. Trở lại với câu chuyện thức ăn nhanh, trong khi chúng ta chưa kịp làm gì thì cơn lốc thức ăn nhanh đã kịp thổi bay đi hương vị bản địa của những món ăn truyền thống và hình thành nên một tầng lớp thưởng thức ẩm thực phiến diện và nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Bên trong một cửa hàng thức ăn nhanh KFC tại Q.3, TP.HCM - Ảnh: TTO

"Mình biết là những món ngoài đấy thì toàn là gà công nghiệp thôi mà gà công nghiệp thì không ngon bằng gà ta nhưng chỉ có người lớn mình hiểu thôi chứ trẻ con thì không quan tâm lắm. Chúng ra đấy thì thích thôi. Bạn bè của chúng và kể cả đồng nghiệp của mình ở đây, hơn 30 tuổi rồi nhưng vẫn thích ăn KFC những món thức ăn nhanh như vậy thì mình không hiểu. Tại vì nó có một sức cuốn hút nào đó mình không giải thích được".

Không chỉ có gia đình chị Nguyễn Hà My mà qua tham khảo ý kiến của khá nhiều bà nội trợ, họ cũng cho biết, con cái họ cũng có xu hướng nghiện những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ hơn là cơm nhà. Tìm hiểu thì được biết, đồ ăn nhanh dễ gây nghiện vì mùi hương quyến rũ. Đã được thưởng thức từ nhỏ thì đến khi trưởng thành rất khó thay đổi. Các chuyên gia đánh giá, đồ ăn nhanh còn có thể gây nghiện mạnh hơn cocain. "Thực phẩm đánh vào lớp trẻ nhất là trẻ em, trẻ em thích gì ăn cái nấy, thức ăn nhanh tạo cái mùi, đi tới cửa hiệu thì nghe mùi thơm kích thích vị giác, trang trí của cửa hàng khiến cho trẻ em cảm thấy thích thú, tiếp theo nữa là quán tính, một khi đã ăn rồi thì cứ đến ăn".

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, có khoảng 1 tỷ người trên thế giới phần nhiều ở các nước đang phát triển bị thừa cân. Trong số này có khoảng 300 triệu người được coi là béo phì. Tại nước ta số lượng trẻ em thừa cân và béo phì đang gia tăng với tốc độ nhanh chóng mà tác nhân gây ra tình trạng này có thể là những món ăn nhanh nhiều dầu mỡ và những lon nước ngọt có gas.

Mới đây cư dân mạng chia sẻ với nhau một hình ảnh khá hài hước, đó là một chiếc bánh burger kẹp với dòng chữ bánh sành điệu, sính ngoại, chạy đua. Mặc dù chỉ là một hình ảnh hài hước nhưng lại rất đáng để suy ngẫm. Tại sao giá cả của một ly cà phê ước lượng tương đương cả chục kg lúa của người nông dân một nắng hai sương mà người ta vẫn uống. Đơn giản vì họ có tiền và mong muốn được thể hiện đẳng cấp hoặc cũng bởi tâm lý đám đông. Có một câu chuyện ngắn hài hước của nhà văn Ha Jin - Trung Quốc kể về câu chuyện một gia đình giàu có ở Trung Quốc, đã đặt làm một đám cưới đình đám tại nhà hàng của một thương hiệu thức ăn nhanh mới khai trương ở địa phương, có tên gọi "Cowboy Chicken", mà không cần biết đến chuyện người Trung Quốc có 150 cách tốt hơn để chế biến các món ăn từ gia cầm. Đó chỉ đơn giản là một cách để khẳng định sự giàu sang của gia đình này trong nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc.

Về mặt tâm lý, sẽ là không đúng nếu đổ lỗi cho những món ăn nhanh làm nhiều bạn trẻ ngày nay ngại việc bếp núc do đã quen với những món ăn vặt, ăn nhanh nhất là khi đến tuổi lập gia đình. Chỉ cần một cú điện thoại thì chẳng thiếu món gì từ Tây, Hoa, Nhật, Hàn bởi thế mà khỏang cách giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa hơn và bữa cơm nhà ấm cúng xưa kia, nay trở nên lạnh lẽo. Thời gian gần đây trong những cuộc tư vấn của mình, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình nhận thấy xu hướng vợ đoảng khiến chồng phiền lòng tăng lên khá nhiều, nhất là với những bạn trẻ. Có nhiều ông chồng kể rằng lúc còn yêu nhau, họ hay dắt nhau đi ăn tiệm và thấy cuộc đời vẫn đẹp sao nhưng sau khi cưới vẫn duy trì nếp sinh hoạt 7 ngày một tuần thì vợ gọi đồ ăn nhanh về nhà hoặc rủ chồng đi ăn tiệm. Một hai tuần thì không sao nhưng kéo dài thì thật không ổn chút nào. Chuyên gia Huỳnh Anh Bình kể lại: "Số lượng càng ngày theo chiều hướng tăng lên, trong tất cả những cái cuộc hôn nhân những người phụ nữ gặp khó khăn trong vấn đề bếp núc, thu vén gia đình thì người chồng dễ bị thất vọng và họ so sánh, số tan vỡ cao hơn rất nhiều so với những cặp vợ chồng mà người vợ biết nấu nướng, thu vén gia đình".

Bà Đỗ Thị Kim Quyên, Giảng viên trường ĐH Hoa Sen đồng thời là một chuyên gia ẩm thực cho biết, mặc dù cô luôn có ý thức giữ gìn bữa cơm trong nhà nhưng cũng không tránh khỏi những đứa con của mình có thú thưởng thức đồ ăn nhanh. Điều quan trọng để văn hóa ẩm thực truyền thống ăn sâu vào nếp nghĩ của thế hệ trẻ không ai khác bắt nguồn từ chính nền tảng gia đình. "Điều này tùy thuộc vào truyền thống gia đình nữa, nếu gia đình quen với việc ăn uống với những món mà cha mẹ nấu thì con cái lớn lên cũng thích ăn những bữa ăn cha mẹ nấu. Bữa ăn gia đình đối với riêng gia đình mình là nơi để cha mẹ con cái gặp nhau để nói chuyện luôn luôn ít nhất trong 1 tuần phải có 3-4 ngày có bữa ăn gia đình. Mình vẫn thấy là xu hướng người Việt Nam mình cũng đang có những định hướng đưa món ăn nhanh giới thiệu cho giới trẻ hiện nay của mình. Ví dụ  như gỏi cuốn, cơm theo dạng burger đang tìm cách kết hợp giữa chuyên gia ẩm thực việt nam với các chuyên gia ẩm thực thức ăn nhanh suất ăn công nghiệp kết hợp cả 2 làm sao đưa món ăn chế biến trong gia đình đưa vào suất ăn nhanh làm sao để mọi người vẫn giữ được văn hóa Việt".

Có người đã từng nói rằng, ăn không chỉ đơn giản chỉ là động tác cho thực phẩm vào miệng. Nó là kết tinh của văn hóa và xã hội. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thay đổi trang phục và ngôn ngữ sẽ nhanh hơn nhiều so với thói quen ăn uống. Tuy nhiên chậm chứ không có nghĩa là không thể. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải nhìn lại mình để tìm được hướng đi thích hợp,  ngay trong gia đình phụ huynh cần có những sự định hướng về ẩm thực cho con cái nhất là trẻ nhỏ, không nên chạy theo đám đông để tránh những hệ lụy về sức khỏe và có thể là cả nỗi lo về sự mai một đã được nhìn thấy của nền văn hóa truyền thống, một khi xu hướng sống nhanh, hưởng thụ và thể hiện đẳng cấp đang hình thành ở một bộ phận giới trẻ.