Xuất khẩu cà phê cả nước đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD

(VOH) - Kết thúc niên vụ 2011-2012, xuất khẩu cà phê VN đạt kỷ lục về sản lượng và kim ngạch với trên 1,5 triệu tấn nhân cùng 3,4 tỷ USD ngoại tệ mang về cho đất nước. Kết quả này đã được Hiệp hội cà phê ca cao VN công bố tại Hội nghị tổng kết niên vụ cà phê 2011-2012 vừa diễn ra ở TPHCM vào sáng nay (02/11).

Xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt kỷ lục 3,4 tỷ USD.ảnh: capheviet

Theo Hiệp hội cà phê ca cao VN, nguyên nhân xuất khẩu tăng là do thời tiết khí hậu trong niên vụ vừa qua thuận lợi tạo điều kiện cho cây cà phê phát triển. Tỷ lệ cà phê thất thoát và kém phẩm chất không đáng kể trong khi trước đây có năm tỉ lệ hạt đen và hỏng lên đến 8%. Bên cạnh đó, vì thấy lãi suất cao, nông dân không để tồn kho sang vụ tới cũng như một số doanh nghiệp nhập hàng từ Lào về tái xuất đã góp phần làm tăng kim ngạch. Đặc biệt trong 10 tháng đầu năm 2012, toàn ngành đã xuất được trên 1,4 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,1 tỷ USD. Đáng mừng hơn, khi giá xuất khẩu trung bình đạt 2.000 USD/tấn tuy thấp hơn trung bình năm ngoái nhưng khoảng cách so với giá thế giới đã giảm nhiều. Trước đây mức chênh lệch về giá so với thị trường London và New York phải đến 100 USD/tấn thì nay chỉ còn 30 đến 40 USD/tấn. Kết quả trên có được theo ông Lương Văn Tự, chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao VN là:



Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đánh giá cao kết quả mà Hiệp hội cà phê ca cao VN đã làm được trong thời gian qua. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nói:




Tuy nhiên cũng theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, để ngành hàng cà phê VN phát triển ổn định hơn trong thời gian tới, thì điều quan trọng là các địa phương và Hiệp hội phải làm sao giữ được diện tích cà phê trong khoảng 500.000 hecta như quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Bởi trong quy hoạch bao giờ cơ quan chuyên môn cũng đã có tính toán điều kiện tối ưu nhất cho ngành hàng cà phê phát triển thuận lợi. Nhưng bây giờ thì chúng ta đã vượt 50.000 hecta. Nếu cứ để diện tích cà phê tăng lên nữa thì khả năng cạnh tranh của ngành hàng cà phê sẽ giảm. Do vậy định hướng của Bộ NN&PTNT cho ngành hàng cà phê VN là cần giữ nguyên diện tích và nếu có phát triển thì phải hết sức cân nhắc. Điều quan trọng trong hướng đi sắp tới là chỉ tập trung nâng cao hiệu quả của ngành hàng, đặc biệt là nâng cao năng suất và chất lượng để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Bởi ngành hàng cà phê là ngành hàng đặc biệt do có phạm vi mở rất rộng, xuất khẩu chiếm đến 93% trong khi tiêu thụ trong nước chỉ có 7%. Rõ ràng đây là một định hướng hoàn toàn đúng đắn mà các doanh nghiệp cũng như người trồng cà phê cần thực hiện. Vì có làm vậy thì giá trị xuất khẩu và lợi nhuận cho ngành hàng cà phê VN mới thực sự tăng cao và đảm bảo tính ổn định.