Xuất khẩu dệt may: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu

(VOH) - Năm 2012, Chính phủ đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm đạt khoảng 106,4 - 107,4 tỷ USD, tăng 12 - 13,1% so với năm 2011. Trong đó, một số ngành hàng chủ lực của Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt trong năm 2012-2013 như dệt may, chế biến gỗ và thủy sản. Phân tích về vấn đề này, phóng viên Hà An có loạt bài "Đẩy mạnh xuất khẩu ngành hàng chủ lực của Việt Nam" với phần 1 có tiêu đề Xuất khẩu dệt may: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu.

>>Nghe bài viết

Kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm ước , tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giữ vị trí đi đầu về xuất khẩu, dệt may Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức do sự mất cân đối trong cấu trúc ngành, bất cập về phương thức sản xuất, thị trường, nguồn tài chính, nhân lực…
Kết thúc quý I/2012, ngành dệt may vẫn giữ đà tăng trưởng, kim ngạch đạt 3,23 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2011. Tăng trưởng xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật vẫn ổn định. Một số thị trường mới được mở rộng như Hàn Quốc, Canada đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu cho lĩnh vực này. Tại thị trường Hàn Quốc xuất khẩu dệt may năm 2011 đạt gần 800 triệu USD. Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ bài học kinh nghiệm của ngành dệt may để có được kết quả khả quan:

Năm 2012 được dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam do kinh tế giới còn nhiều bất ổn. Các thị trường xuất khẩu chính của ngành là Mỹ, EU và Nhật Bản... tiếp tục các chính sách thắt lưng buộc bụng về tài chính, tiết kiệm chi tiêu. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được những đơn hàng sản xuất lớn. Nhiều hợp đồng mới đều có hướng điều chỉnh theo hướng giảm số lượng xuống 20 - 30%. Ông Thân Đức Việt- Giám đốc điều hành công ty may 10, cho biết:

Bên cạnh đó là sự mất cân đối trong cấu trúc ngành và bất cập về các phương thức sản xuất, từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Đối với thị trường quốc tế, dệt may là mặt hàng được quyết định bởi nhu cầu thị trường. Hầu hết các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, các nhà bán lẻ chiếm từ 70-90% thị phần, 10-30% còn lại là thị trường của các nhà thương mại, nhà sản xuất theo phương thức sản xuất thương hiệu gốc (OBM). Điều đó có nghĩa các hãng may mặc của Việt Nam chưa tiếp cận được thị trường một cách trực tiếp mà vẫn phải qua vài trung gian.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu năm 2012 sẽ đạt tổng doanh thu 25 tỷ USD, trong đó lĩnh vực xuất khẩu đạt từ 19 - 19,5 tỷ USD. Để hoàn thành mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần phải giảm các đơn hàng gia công và tăng tỷ lệ hàng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng); tăng sử dụng các nguyên phụ liệu tự nhiên được sản xuất trong nước và đẩy mạnh công tác đào tạo lao động nghề để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành. Về thị trường, tiếp tục đẩy mạnh các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản đồng thời tiếp cận các thị trường mới đặc biệt là Hàn Quốc. Năm nay, xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt ngưỡng 1 tỉ USD, và trở thành thị trường trọng điểm lớn thứ 4 của dệt may Việt Nam. Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần may Sài Gòn 3, chia sẻ:

Thời điểm này, các doanh nghiệp hy vọng năm 2013 xuất khẩu dệt may sẽ gặt hái được nhiều thành công bởi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và đặc biệt là hiệu ứng của Hiệp ước đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phân tích:

Trong chiến lược phát triển, ngành dệt may đặt mục tiêu đến năm 2015 là phát triển dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực, phấn đấu đến năm 2015 đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỷ USD, với tỷ lệ nội địa hóa là 60% và thu hút trên 2,5 triệu lao động. Đặc biệt, phát triển dệt may theo hướng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm thời trang của khu vực./.
(Còn tiếp)