Gắn bó với lớp học bệnh viện Ung bướu từ những ngày đầu, gần 10 năm qua, cô Đinh Thị Kim Phấn miệt mài dạy cho các em nhỏ tự tay viết tên mình và học môn toán, văn theo chương trình các em đang dang dở.
Hơn 500 em nhỏ đã theo học lớp học này, theo trí nhớ của cô.
Lớp học không quá rộng nhưng giữa những phòng bệnh ngột ngạt, đó là căn phòng bừng sáng và ấm áp nhất với các thiên thần nhỏ. Nơi đó mỗi chiều thứ sáu, sáng thứ 7 rộn rã tiếng cười và giọng hát hồn nhiên.
Với các bệnh nhi bị ung thư, nơi đây chính là phòng truyền dịch “sự sống” tuyệt vời nhất trong chuỗi ngày dai dẳng sống chung với bệnh ung thư. Có những bé đầu trọc lóc, tay đang truyền dịch vẫn cố gắng vào lớp học, có những bé khóc ngặt trên tay bố mẹ sau cơn truyền thuốc đau đớn vẫn không bỏ buổi học.
Cả những bé khi không đủ sức nhảy múa hát ca cùng bạn, vẫn ngồi bên ngoài hành lang lớp học để nhìn, để nhúc nhích đôi bàn tay xanh dờn theo điệu nhạc.
Bé N.T (8 tuổi) cho biết bé học ở lớp học được 3 năm. Cô Phấn lúc nào đến lớp cũng vui cười, cho các bé chơi trò chơi, cho các bé bánh kẹo khi làm bài tốt và ngoan. Cả tuần, bé và các bạn chỉ mong đến ngày được vào lớp học.
Ngót 10 năm qua, cô Đinh Thị Kim Phấn cùng 7 cô giáo khác và các tình nguyện viên luôn hết mình để giữ cho những nụ cười trẻ thơ trong trẻo nhất cũng vì niềm hạnh phúc con trẻ đó.
Với các vị phụ huynh, cô là cô tiên của các bé. Anh M. Trung (ba của bé A.T) cho biết "những ngày bé vào thuốc, bé mệt, có khi không chịu ăn uống, chỉ cần nhờ cô Phấn đến giường bệnh an ủi là bé cố gắng ăn, uống sữa để có sức trở lại lớp học. Cô như mẹ của các bé trong những ngày bé xa nhà, vắng mẹ vậy".
Cô Đinh Thị Kim Phấn (áo vàng hàng đầu tiên) chụp hình lưu niệm cùng học trò và tình nguyện viên.
Cô Đinh Thị Kim Phấn cho biết ban đầu lớp học chỉ dạy viết và làm toán theo chương trình tiểu học. Sau, nhiều trẻ lớn lên, trẻ bị ung thư các lớp lớn cũng nhiều lên, nên lớp học mở thêm đến cấp hai.
Cô chia sẻ, điều các bé học được nhiều ở lớp học này chính là niềm tin vào hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư. Với các em chưa được đến trường, đây là nơi cho em trải nghiệm về tuổi thơ cắp sách học cùng bạn bè.
Với những trẻ phải tạm dừng việc học để vào bệnh viện điều trị, đây là nơi để các em tin rằng mình học để khi về trường học cho kịp bài với bạn bè.
Người giữ kỷ niệm trăm cuộc đời trẻ thơ
Suốt những năm qua, trong mỗi buổi học cô đều chụp ảnh các học trò nhỏ của mình. Buổi tối về nhà cô chọn ảnh rồi đăng lên faceboọk lớp học, cô cũng sắp xếp trong máy tính của mình các folder hình ảnh của từng học trò nhỏ, ghi chép những ước mơ, những kỷ niệm với các em.
Ngày bệnh nhi nào đó “vĩnh biệt” cõi trần, cô lại sắp xếp những kỷ vật đó gửi cho gia đình bé. Cô cho biết vì điều kiện kinh tế nhiều bé khi vào đây điều trị chỉ đi cùng cha hoặc mẹ rồi ở đây lâu dài, không được sum vầy với gia đình. Nên những kỷ niệm này quý lắm. Hàng tuần gia đình cũng có thể lên facebook lớp học xem hình con minh múa hát, học bài.
Những quyển vở cô còn lưu giữ, cô chỉnh chu ghi họ tên bé ngoài trang bìa, rửa hình dán vào, cạnh những dòng chữ bé học ở lớp học đặc biệt của cô.
Nhiều bé đến lúc phải “trả về” gia đình vẫn quyến luyến cô Phấn, không muốn rời lớp học. Cô cảm động đến giường động viên bé con về nhà nghỉ ngơi, ráng ăn uống nhiều để khỏe hơn và quay lại lớp học sớm.
Bao lần cô quay đi, nén giọt nước mắt sau lời nói dối trĩu nặng ân tình.
Nơi lớp học giờ vẫn lưu giữ nhiều quyển vở học của các học sinh mà gia đình không kịp nhận về. Các cô đã sắp xếp những quyển vở của các bé mất lâu ở trên cùng và càng xuống thấp là sách vở của các bé mới mất….
Nơi đây vẫn lưu giữ những kỷ niệm quãng đời ngây thơ nhất của các "thiên thần".
Cô Đinh Thị Kim Phấn trong lễ biểu dương.
Mạnh mẽ để những thiên thần nhỏ được tiếp thêm sức mạnh
Bao lần cô Kim Phấn cùng trở về quê hương các trò nhỏ thân yêu để tiễn đưa các em lần cuối. Bờ vai nhỏ của cô vững chãi khi kể lại những kỷ niệm này nhưng giọng vẫn khẽ run và mỏng dần.
Động lực nào để cô có thể đối diện và đi qua những niềm đau triền miên đó mà giữ cho lòng mình an yên để truyền lửa cho bao lứa học trò khác?
Cô nói, khó khăn lớn nhất mà cô thường phải tự đấu tranh để vượt qua là những chấn thương tâm lý khi thường xuyên phải chứng kiến các cuộc chia ly vĩnh viễn với học sinh mà mình thương mến.
Cũng có khi chịu không nổi, cô đã nghĩ đến việc rời lớp. Nhưng rồi cô lại nghĩ nếu cô dừng lại, những thiên thần trong lớp học kia sẽ như thế nào. Căn bệnh ung thư vẫn đang hoành hành, gieo đau khổ lên bao phận đời mỏng manh khác thì việc cô làm là điều có thể tiếp sức cho những trẻ thơ bất hạnh.
Chị Liêng - một tình nguyện viên lớp học chia sẻ chính cái tâm sáng trong của cô Kim Phấn là sợi dây kết nối các tình nguyện viên với lớp học đặc biệt đó.
Cô Đinh Thị Kim Phấn được Thành ủy TPHCM biểu dương là cá nhân thực hiện tốt học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2017 - 2018.