Có nên hạn chế tốc độ trung bình 30km/h giao thông nội đô?

VOH - Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI) tốc độ trung bình 30km/h là mức đảm bảo an toàn. Cứ tăng 10km/h, tỉ lệ tai nạn giao thông tăng 30%, tăng 1km/h tỉ lệ tai nạn tử vong tăng 2,2%.

Dư luận quan tâm với những dòng ý kiến khác nhau liên quan tốc độ di chuyển trong nội thành TPHCM xoay quanh con số 30km/h. Dẫn các nghiên cứu và khuyến nghị từ chuyên gia quốc tế, tại Hội thảo về "Quản lý tốc độ giao thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP.HCM" ngày 28/11, chuyên gia của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) chỉ ra rằng tốc độ trung bình 30km/h là mức đảm bảo an toàn, hạn chế thương vong khi xảy ra tai nạn giao thông, cứ tăng 10km/h tỉ lệ tai nạn giao thông tăng 30%, tăng 1km/h thì tỉ lệ tai nạn tử vong tăng 2,2%.

Nhanh một giây, chậm cả đời

Người đi bộ nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 50km/h tỉ lệ tử vong lên 80%. Nhưng người đi bộ có tới 90% cơ hội sống sót nếu bị ô tô va chạm ở tốc độ 30km/h trở xuống.

Khu vực nội thành các thành phố lớn như TPHCM có mật độ dân số cao, người đi bộ đông, khuyến nghị về tuân thủ tốc là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông David Perez-Barbosa - chuyên gia Viện Tài nguyên thế giới, nhiều nước đã thực hiện quản lý tốc độ và đạt được kết quả đáng kể như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Đức, Canada, Mỹ...

Tốc độ trung bình 30km/h - giải pháp hiệu quả giảm thiểu thương vong giao thông nội đô 1

Ông David Perez- Barbosa - Chuyên gia Viện Tài nguyên thế giới chia sẻ tại Hội  nghị "Quản lý tốc độ giao thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP.HCM" - Ảnh: Lê Bằng

Chuyên gia này cũng chia sẻ tại quê hương của mình là Thành phố Bogota, Colombia việc triển khai tốc độ an toàn 30 km/h được thực hiện thí điểm ở từng khu vực, đoạn đường, sau đó đánh giá hiệu quả rồi nhân rộng sang các khu vực khác. 

“Việc kêu gọi mọi người đi chậm là điều rất khó với thói quen di chuyển trên đường, vì ai cũng thích chạy xe nhanh hơn là chạy chậm. Đó là tâm lý chung của mọi người. Khi di chuyển nhanh, khả năng quan sát và phản ứng, xử lý tình huống sẽ giảm, nguy cơ mất an toàn giao thông cao hơn”, ông David Perez- Barbosa chia sẻ.

Chuyên gia cũng cho rằng dù biết việc đi nhanh sẽ giúp mọi người tiết kiệm thời gian và thúc đẩy các công việc nhanh hơn nhưng an toàn tính mạng, sức khỏe vẫn là trên hết.

Vì vậy, Việt Nam có thông điệp an toàn giao thông: Hãy tuân thủ tốc độ - Nhanh một giây, chậm cả đời.

Khuyến nghị di chuyển tốc độ 30km/h để đảm bảo an toàn

Ông Nguyễn Thành Lợi - Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết trong năm 2022, Việt Nam có gần 80% các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do chạy xe quá tốc độ hoặc không làm chủ tốc độ. Tốc độ di chuyển càng nhanh thì thương vong càng cao khi xảy ra va chạm.

Theo ông Lợi, nếu việc tuân thủ tốc độ được thực hiện tốt thì mức độ an toàn đối với người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông được đảm bảo hơn. Việc vi phạm tốc độ của người tham gia điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua diễn ra khá phổ biến.

Do đó, chuyên đề về xử lý tốc độ được lực lượng chức năng của thành phố thường xuyên thực hiện, tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm này trong thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

Ban An toàn giao thông cũng đã báo cáo, kiến nghị với thành phố một số nội dung đối với việc quản lý, kiểm soát tốc độ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là trên các tuyến đường đi qua những khu vực có nhiều đối tượng dễ bị tổn thương như trường học, bệnh viện.

Tốc độ trung bình 30km/h - giải pháp hiệu quả giảm thiểu thương vong giao thông nội đô 2

Giáo viên, học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đi bộ qua đường - Ảnh: Lê Bằng

Theo ông Lợi, việc khuyến cáo các phương tiện khi đi qua khu vực trường học cần phải điều chỉnh tốc độ lưu thông thấp hơn mức quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân người điều khiển phương tiện và mọi người xung quanh ở khu vực này.

Cũng theo ông Lợi, qua nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm một số nước tổ chức nghiên cứu về an toàn giao thông cho thấy, đô thị đông đúc như TPHCM với hạ tầng giao thông còn hạn chế thì việc điều chỉnh, tổ chức lại giao thông, khuyến cáo giảm tốc độ lưu thông trong khu vực nội đô là biện pháp hiệu quả, khả thi nhất.

Vậy vấn đề đặt ra là việc giảm tốc độ có ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế xã hội hay gây ra sự bất tiện gì đối với người dân khi tham gia giao thông hay không?

Trả lời vấn đề này, qua ý kiến chia sẻ của các chuyên gia, nếu quản lý tốc độ tốt, mọi người tuân thủ nghiêm tốc độ lưu thông và thực hiện giảm tốc độ lưu thông thấp hơn mức quy định cho phép trong từng khoản thời gian và địa điểm được cơ quan chức năng khuyến cáo, sẽ mang lại sự an toàn hơn cho chính người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông.

Việc này cũng không làm ảnh hưởng đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Lưu thông với tốc độ thấp hơn một chút và có trật tự thì vẫn đảm bảo được dòng lưu thông thông suốt, tránh được tình trạng khi điều khiển phương tiện thì tăng tốc đột ngột và giảm tốc đột ngột sẽ dễ dẫn đến va chạm.

Các tuyến đường trong đô thị chủ yếu phục vụ cho mục đích lưu thông. Còn vận chuyển hàng hóa khi đi vào trong khu vực đô thị cũng đã có những tuyến đường và được giới hạn các khung giờ nhất định để đảm bảo an toàn.

Có nên hạn chế tốc độ trung bình 30km/h giao thông nội đô? 3
Biển báo hạn chế tốc độ không quá 30 km/h - Ảnh minh họa

Với đề xuất thí điểm khuyến nghị giảm tốc độ ở các khu vực “nhạy cảm” với an toàn giao thông như trường học, bệnh viện, các khu vực chợ… vào những khung thời gian nhất định trên địa bàn TPHCM, Ban An toàn giao thông cũng xin chủ trương để phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Công an thành phố nghiên cứu, rà soát, đánh giá, xác định khu vực ưu tiên thực hiện. Từ việc thí điểm sẽ có đánh giá tính khả thi, hiệu quả mới tiếp tục nhân rộng.

Tại Hà Nội dự kiến sẽ cho thí điểm hạn chế tốc độ qua cổng cụm trường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm) không quá 30km/h trong tháng 12 này. Trong năm 2022, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai cũng đã giới hạn tốc độ xuống 30km/h trong các khung giờ đưa, đón học sinh tại khu vực trường học.

Người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ khi đi qua trường học, bệnh viện, công trình công cộng tập trung nhiều người là bắt buộc và đã được quy định tại khoản 5, điều 5, Thông tư 31 ngày 28/9/2019 của Bộ GTVT; tốc độ lưu thông trong đô thị 50km/h đối với xe cơ giới và 40km/h đối với xe gắn máy đã được quy định tại Điều 6 và điều 8 của thông tư này.

Bình luận