* TÓM TẮT TIỂU SỬ:
- Ứng cử viên (ĐBQH): Ngô Thị Phương Lan
- Sinh ngày: 11/12/1974
- Quê quán: xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
- Hiện cư trú tại 23/4 An Nhơn, Phường 17, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiến sĩ Dân tộc học, Cử nhân Đông Phương học, Cao cấp Lý luận Chính trị.
* TÓM TẮT QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC
- Từ tháng 9 năm 1993 đến tháng 7 năm 1997: Sinh viên Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ tháng 10 năm 1997 đến tháng 10 năm 1998: Bà làm công tác tư liệu tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ tháng 10 năm 1998 đến tháng 10 năm 2000: Bà trợ giảng và làm Giáo vụ Khoa Đông Phương học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Từ tháng 10 năm 2000 đến tháng 2 năm 2002: Học Thạc sĩ Nhân học Văn hóa - Xã hội tại Khoa Nhân học, Đại học Toronto, Canada.
- Từ tháng 02 năm 2002 đến tháng 01 năm 2013: Bà công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, giữ các chức vụ: Giảng viên và trợ lý hợp tác quốc tế tại Khoa Đông Phương học, Giảng viên Khoa Nhân học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2002 - 2008), Phó Trưởng Khoa Nhân học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (2008 - 2013). Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19 tháng 5 năm 2004.
- Từ tháng 01 năm 2013 đến nay bà được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
- Bà đã được tặng thưởng: Bằng khen của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều Bằng khen của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
* CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Được giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV là một trách nhiệm hết sức lớn lao bởi vì Tôi ý thức được mình phải thực hiện vai trò đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân để xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do vậy, nếu được cử tri tín nhiệm bầu chọn trở thành một đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ đầu tiên của Tôi là phải thể hiện được vai trò đại diện cho tiếng nói của các cử tri để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của một Đại biểu Quốc hội liên quan đến chức năng lập hiến, lập pháp, và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Tôi đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện chức năng giám sát của đại biểu Quốc hội thông qua hoạt động chất vấn, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát việc khiếu nại, tố cáo của công dân. Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và khoa học xã hội và nhân văn, chương trình hành động của tôi hướng đến bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng Thành phố lần thứ X và những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn liên quan đến vấn đề văn hóa, xã hội và giáo dục. Chương trình hành động của Tôi sẽ tập trung vào các nội dung cụ thể sau:
1. Về lĩnh vực giáo dục đào tạo: Tôi sẽ thực hiện vai trò giám sát để tiếp tục thúc đẩy Luật giáo dục đi vào thực tế thông qua Luật giáo dục đại học và Luật giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW của Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, Khóa XI về đổi mới, căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chú trọng đến chất lượng đào tạo, tự chủ đại học và sự hội nhập quốc tế; kiến nghị đề xuất những chính sách đãi ngộ đối với giáo viên và giảng viên về thời gian dành cho nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo.
2. Về lĩnh vực văn hóa: Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển. Do vậy, Tôi sẽ tăng cường thúc đẩy các hoạt động giám sát, tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất những chính sách để xây dựng đời sống văn hóa phong phú, bảo tồn và phát huy các chân giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc cho mọi cộng đồng nhân dân, xây dựng những giá trị văn hóa mới phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa; kiến nghị đề xuất hình thành và thúc đẩy hơn nữa hoạt động của các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; thúc đẩy sự phát triển của văn hóa đọc, văn hóa học đường, văn hóa thể thao…, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ văn hóa mang bản sắc văn hóa Việt Nam, khu vực và thế giới cho mọi tầng lớp nhân dân và ở mọi lứa tuổi ở những không gian tương tác cộng đồng.
3. Về lĩnh vực xã hội - môi trường: thành phố Hồ Chí Minh có đặc điểm của một thành phố tụ hội nhiều lực lượng lao động nhập cư, đặc biệt là công nhân làm việc trong các nhà máy và khu chế xuất; nhóm người này đang đóng góp cho thành phố ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi sẽ tham gia đóng góp các ý kiến liên quan đến vấn đề an sinh xã hội cho nhóm nhập cư này như vấn đề về quyền có việc làm, quyền được học tập nâng cao tay nghề, quyền được chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội khác, quyền được hưởng thụ văn hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang trong quá trình Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa, sự phát triển chỉ có thể bền vững nếu chúng ta quan tâm phát triển kinh tế và chú trọng đến yếu tố môi trường và an ninh xã hội. Do vậy, Tôi sẽ tăng cường giám sát, đóng góp các ý kiến, đề xuất để đưa Luật Môi trường 2015 đi vào thực tế và đề xuất bổ sung cho phù hợp với thực tế cuộc sống; chú trọng giám sát các vấn đề môi trường đặc thù của thành phố như không gian xanh, ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, nguồn nước, nước sạch, và thích ứng với biến đổi khí hậu.
4. Là một công dân của nước Việt Nam, của thành phố Hồ Chí Minh, tôi luôn ý thức mình phải có trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, của thành phố. Do vậy, dù ở bất cứ vị trí nào Tôi cũng luôn tự hoàn thiện mình để đem hết năng lực và khả năng của mình để hoàn thành nghĩa vụ của một công dân.