Giá cả thị trường hôm nay 15/5: Tăng cường việc điều hành, bình ổn giá cả thị trường

(VOH) – Đó là thông tin từ công văn Bộ Tài chính gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Giá cả thực phẩm tại chợ Thủ Đức (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh):

  • Cà rốt (Đà Lạt): 15.000 đồng/ kg
  • Củ cải trắng (Đà Lạt): 5.000 đồng/ kg
  • Su hào (Đà Lạt): 9.000 đồng/ kg
  • Đậu hà lan (Đà Lạt): 55.000 đồng/ kg
  • Đậu côve trắng (Đà Lạt): 18.000 đồng/ kg
  • Khoai tây hồng (Đà Lạt) 21.000 đồng/ kg
  • Bí đỏ Trà Vinh: 6.000 đồng/ kg
  • Bí xanh (Hóc Môn): 5.000 đồng/ kg
  • Khổ qua (Hóc Môn): 13.000 đồng/ kg
  • Dưa leo (Hóc Môn): 10.000 đồng/ kg
  • Đậu bắp (Bình Dương): 13.000 đồng/ kg
  • Cà tím (Bình Dương): 6.000 đồng/ kg
  • Ớt cay (Miền Tây): 22.000 đồng/ kg
  • Chanh giấy (Miền Tây): 33.000 đồng/ kg
  • Tỏi Lý Sơn: 70.000 đồng/ kg
  • Hành lá (hành hương) Miền Tây: 28.000 đồng/ kg
  • Ngò rí Miền Tây: 17.000 đồng/ kg
Giá cả thị trường hôm nay 15/5/2021: Tăng cường việc điều hành, bình ổn giá cả thị trường 1
Ảnh minh họa: PN

Tăng cường công tác quản lý điều hành, bình ổn giá cả thị trường

Bộ Tài chính có công văn đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn.

Cụ thể, các địa phương thực hiện theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn, qua đó kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19....

Địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính) để có chỉ đạo.

Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Các cấp quản lý kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Bình luận