Ngày 26/3, tại trụ sở LHQ ở Vienna, Chính phủ Việt Nam phối hợp với Văn phòng LHQ về phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) tổ chức tọa đàm “Hướng tới Hà Nội: Lễ ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng”.
Sự kiện nhằm giới thiệu và cập nhật thông tin về sự kiện mang tính bước ngoặt này tới các quốc gia châu Âu và cộng đồng quốc tế, tiến tới đăng cai Lễ ký Công ước LHQ về chống tội phạm mạng tại Việt Nam vào năm nay.
Dù được tổ chức chủ yếu dành cho các đại biểu châu Âu, tọa đàm vẫn thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo đại diện từ nhiều khu vực khác và các tổ chức quốc tế có mặt tại Vienna.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế tại Vienna - cùng đại diện các Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… nhấn mạnh Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với UNODC và các đối tác để đảm bảo Lễ ký Công ước tại Hà Nội vào năm 2025 được tổ chức trang trọng, toàn diện và mang tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Việt Nam mong muốn sự kiện không chỉ đơn thuần là một thủ tục pháp lý, mà còn là diễn đàn thúc đẩy đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân trong lĩnh vực phòng chống tội phạm mạng.
Đại diện đoàn Việt Nam cũng gửi lời cảm ơn tới các quốc gia đã ủng hộ việc chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức lễ ký, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với UNODC, Văn phòng pháp lý LHQ (OLA) và các nước thành viên để Công ước sớm có hiệu lực và được triển khai hiệu quả.

Công ước LHQ về chống tội phạm mạng chính thức được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 24/12/2024. Đây là văn kiện pháp lý toàn diện đầu tiên mang tính ràng buộc quốc tế về tội phạm mạng, gồm 9 chương, 71 điều khoản với nhiều nội dung quan trọng như:
- Xác định các hành vi cấu thành tội phạm mạng (xâm nhập trái phép, can thiệp hệ thống, khai thác trẻ em trực tuyến, rửa tiền...);
- Quy định về thẩm quyền, điều tra và truy tố tội phạm;
- Thiết lập các quy trình chia sẻ bằng chứng điện tử;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong truy tố và phòng ngừa tội phạm mạng;
- Hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và nhận thức về an ninh mạng.
Việt Nam khẳng định Công ước mới không nhằm thay thế mà là sự bổ sung quan trọng cho các văn kiện hiện hành, bao gồm Công ước Budapest năm 2001 – nền tảng pháp lý đầu tiên của châu Âu về phòng chống tội phạm mạng.
Công ước mới phản ánh nhu cầu cấp bách về một khuôn khổ hợp tác toàn cầu, phổ quát, đối phó hiệu quả với những thách thức ngày càng tinh vi trong không gian mạng.

Đại diện UNODC, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại LHQ cũng như nhiều quốc gia tham dự đã bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến của Việt Nam và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thành công của sự kiện tại Hà Nội. Nhiều nước cam kết sẽ hoàn tất các thủ tục nội bộ để kịp tham gia và sớm phê chuẩn Công ước.
Tọa đàm cũng làm nổi bật vai trò của UNODC và các đối tác quốc tế như Interpol trong việc hỗ trợ các quốc gia nâng cao năng lực ứng phó với tội phạm mạng thông qua hợp tác toàn cầu và chia sẻ thực tiễn tốt nhất.