Chờ...

Dự báo bão số 4 đổ bộ từ Hải Phòng đến Nghệ An vào ngày 17/8

(VOH) - Dự báo khoảng 10 giờ ngày 17/8, tâm bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, với sức gió mạnh cấp 8.

Chiều 15/8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp với các bộ, ngành bàn giải pháp ứng phó với bão số 4 (bão Bebinca).

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT), cho biết lúc 13 giờ chiều 15/8, bão đang di chuyển theo hướng tây tây nam. Tâm bão còn cách bờ biển từ Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 420 km, gió mạnh cấp 9, giật cấp 11.

Cũng theo dự báo, khoảng 10 giờ sáng 17/8, tâm bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ Hải Phòng đến Nghệ An, sức gió mạnh cấp 8. Ngay sau đó, bão số 4 di chuyển sang khu vực thượng Lào và tan dần.

Hiện nay, do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 11. Biển động mạnh. Từ sáng sớm 16/8, ở phía Đông vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên), phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 17/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Trong 48-72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), cho biết đáng lo nhất hiện nay là sau nhiều ngày mưa, đất đã bão hoà nước và nguy cơ rất cao tiếp tục xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất, nếu xảy ra mưa lớn. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương triển khai ngay các lực lượng xung kích tại các thôn, bản để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn di dời dân cư hiện đang sống trong khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, chính quyền phải cử lực lượng canh gác, cắm biển cảnh báo không cho người dân qua lại.

Ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ bão số 4 để ra lệnh cấm biển  Ảnh: TNO

Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo T.W về Phòng chống thiên tai, nhấn mạnh cơn bão số 4 được dự báo di chuyển nhanh và càng vào bờ càng mạnh lên. Trong khi đó, khu vực dự kiến ảnh hưởng là vùng kinh tế trọng điểm sôi động, đang trong mùa du lịch cao điểm. Không chỉ mạnh về cấp bão mà những khu vực này vừa qua đã trải qua đợt mưa lũ lịch sử. Các sông hồ hiện đã đầy nước, nên đây là ẩn hoạ lớn. Mưa bão cộng hưởng sẽ gây ra nhiều vấn đề, hệ lụy phức tạp.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão phải nghiêm túc ra lệnh cấm biển, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các phương tiện ra khơi. "Ngoài tàu cá, khu vực này đang tập trung rất nhiều tàu du lịch, khách nước ngoài. Nếu không sẵn sàng các biện pháp ứng phó, thì khi bão vào sẽ trở tay không kịp", ông Cường lưu ý.