Chờ...

Dự báo: Bão Yagi có thể thành ‘siêu bão’ | Không nên du lịch ở Hải Phòng và Quảng Ninh từ 7 - 9/9

HÀ NỘI - Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy dự báo, bão Yagi có thể mạnh lên và nhiều khả năng trở thành ‘siêu bão’.

Chiều 2/9, trên trang Facebook - Huy Nguyen - với hơn nửa triệu người theo dõi, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Chuyên gia Biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai cho biết, bão Yagi đang ở vị trí ven biển phía Đông Bắc của Manila, Philippines.

Bão di chuyển theo hướng Bắc-Tây Bắc lên phía đảo Luzon. Với địa hình núi cao nhiều rãnh ở Luzon khiến bão không mạnh lên trong vòng 24 giờ tới.

Tuy nhiên, khi thoát khỏi đảo Luzon vào cuối ngày 3/9, bão sẽ đi vào một vùng biển đang nóng và sẽ mạnh lên nhanh chóng. Nền nhiệt bề mặt biển khu vực phía Bắc Biển Đông, bao gồm cả Vịnh Bắc Bộ đang cao ở mức 31 độ C sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho bão duy trì năng lượng và mạnh lên thành siêu bão.

bao-yagi-philippines-0209824

Thống kê cho thấy, 11 người đã thiệt mạng khi bão Yagi tấn công Philippines. Ảnh: Nhân viên cứu hộ của lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines di tản người dân ở tỉnh Samar miền trung Philippines/AP

Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, hai mô hình mạnh của Châu Âu (ECMWF) và Mỹ (GFS) hiện nay đều có chung dự báo bão sẽ đi theo hướng Tây sau khi rời khỏi đảo Luzon và hướng về bán đảo Lôi Châu và đảo Hải Nam sau đó đi vào Vịnh Bắc Bộ.

Theo mô hình GFS, khí áp của bão khi tiếp cận phía Đông bờ biển đảo Hải Nam có thể xuống thấp 929hPa. Với áp suất khí quyển này thì bão có thể đạt tới cấp cuồng phong (Typhoon Cat3) với vận tốc gió từ 178-208km/h.

Chuyên gia này dự báo, thời gian bão đi vào Vịnh Bắc Bộ vào tối ngày 6/9, rạng sáng ngày 7/9. Thời gian bão tiếp cận vùng bờ biển Vịnh Bắc Bộ vào khoảng tối ngày 7/9, rạng sáng ngày 8/9. Bão có thể đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội

Khi bão vào Vịnh Bắc Bộ, bão có thể giảm còn Cat1 với vận tốc gió từ 120-150km/h (mạnh cấp 13, giật cấp 15). Khi vào gần bờ bão vẫn có thể giữ gió mạnh cấp 12 giật cấp 13.

Vùng ảnh hưởng của gió mạnh là các tỉnh từ Thanh Hóa tới Quảng Ninh và các tỉnh lân cận trong đồng bằng Bắc Bộ.

Với cấp bão như dự báo, tiến sĩ Huy dự báo, lượng mưa trong vòng 24 giờ khi bão vào đất liền có thể lên đến 350-400mm/giờ. Lượng mưa toàn đợt, bao gồm cả mưa do hoàn lưu bão gây nên có thể lên đến 500mm trong vòng 2 ngày.

Theo đó, vùng thấp trũng các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và các tỉnh phía trong đất liền gồm Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ cao bị ngập lụt do lượng mưa lớn xối xả trong vài ngày tới.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy khuyến cáo, thuyền đánh cá, thuyền du lịch ở Vịnh Bắc Bộ nên di chuyển vào bờ tìm nơi tránh trú an toàn trước ngày 6/9. Neo đậu lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản ven sông và ven biển, đánh bắt tỉa để giảm thiệt hại.

Người dân không nên đi du lịch ra các đảo ở Hải Phòng và Quảng Ninh trong giai đoạn từ 7/9 - 9/9.

Những người ở vùng thấp trũng, tính trước phương án sơ tán đồ đạc, nơi để xe oto cao ráo, tuyến đường di chuyển an toàn trước khi bão vào. Đến ngày 6/8, khi có cập nhật về bão thì sơ tán tài sản tránh thiệt hại.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Biến đổi khí hậu và Thiên tai tại Đại học Kyoto, Nhật Bản.

Ông có thời gian làm việc tại Trung tâm nghiên cứu thiên tai châu Á và Nghiên cứu sau tiễn sĩ tại Đại học Kyoto trước khi trở thành chuyên gia nghiên cứu thiên tai của tổ chức Liên hợp quốc về quản lý rủi ro thiên tai (UNDRR).

Ông Huy cũng từng là chuyên gia nghiên cứu và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế khác trong gần 20 năm qua bao gồm: UNCCD, UNESCO, IFAD, ADB, Research Trianger Institue, Institute for Social and Environmental Transition, Winrock International, CARE International và Oxfam International. 

Hiện tại, ông Huy là cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của tổ chức Oxfam.