Mùa Đông năm nay có thể rét hơn so với năm 2020

(VOH) - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nhiệt độ trung bình mùa Đông năm nay có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2020-2021.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo, tháng 11 và tháng 12/2021, nhiệt độ trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn từ 0-0,5 độ C so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình mùa Đông năm 2021-2022 có xu hướng thấp hơn so với mùa Đông năm 2020-2021.

Không khí lạnh gia tăng tần suất từ nửa cuối tháng 10 và có xu hướng gia tăng cường độ trong các tháng chính đông; rét đậm, rét hại trong mùa đông năm 2021-2022 có thể xảy ra sớm, tập trung nhiều trong thời kỳ từ khoảng giữa tháng 12/2021 cho đến tháng 02/2022.

rét, gió mùa đông bắc
Nhiệt độ mùa Đông năm nay có thể thấp hơn so với năm 2020 (ảnh: LĐ)

Tháng 01/2022 tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc và Trung Trung Bộ nhiệt độ ở ngưỡng thấp hơn từ 0-0,5 độ C, các khu vực khác ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Tháng 02 và tháng 4/2022, nhiệt độ phổ biến thấp hơn từ 0-0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Tháng 3/2022 tại khu vực Bắc Bộ, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0-0,5 độ C, các khu vực khác phổ biến thấp hơn từ 0-0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Từ nay tới cuối năm còn khoảng 3 - 5 cơn bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)

Dự báo từ giữa tháng 10 đến hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 3 - 5 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Nhiều khả năng trong những tháng đầu năm 2022 vẫn còn xuất hiện bão/ATNĐ trên khu vực phía Nam Biển Đông và có thể gây mưa dông trái mùa ở khu vực Nam Bộ.

Do đó, cần đề phòng các đợt mưa lớn dồn dập xảy ra trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11 ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, tuy nhiên khả năng xảy ra mưa đặc biệt lớn như năm 2020 là thấp. Sang nửa đầu tháng 12/2021 khu vực này còn có khả năng xảy ra mưa vừa đến mưa to.

Mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kết thúc muộn; Trong thời kỳ mùa khô nhiều khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa.

Miền Bắc ít mưa, miền Nam mưa nhiều

Từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ phổ biến ít mưa và tổng lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Do đó, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021-4/2022.

Nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30-50%, đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60-90%. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng, đặc biệt trong các tháng mùa cạn của năm 2022.

Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 11/2021 đến 12/2021 và tháng 4/2022, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 5-25% so với trung bình nhiều năm do có nhiều khả năng xuất hiện những đợt mưa trái mùa. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 10 đến tháng 12/2021, trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ năm 2021 tại hạ lưu các sông chính ở Thanh Hóa ở mức BĐ1, Nghệ An ở mức BĐ1-BĐ2; các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông Trung Bộ, Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Từ tháng 1 - 4/2022, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên giảm dần. Tổng lượng dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm, các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Nam Tây Nguyên xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-10%.

Đỉnh lũ năm 2021 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp (dưới BĐ1) và xuất hiện vào nửa cuối tháng 10; đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3, một số trạm trên BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.

Trong mùa khô 2021-2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về hạ lưu khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm nhưng ít nghiêm trọng hơn mùa khô 2019-2020.

Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần sớm triển khai các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn, cập nhật các thông tin dự báo hàng ngày, dự báo tháng đề phòng tình hình khí tượng thủy văn diễn biến phức tạp hơn.