Mùa đông năm nay có thể sẽ ấm hơn

(VOH) - Các chuyên gia dự báo, mùa đông năm nay ở nước ta có thể sẽ ấm hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến hết tháng 12/2022, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C.

Trong giai đoạn này thời tiết có khả năng tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina (pha lạnh) và khả năng còn kéo dài sang các tháng đầu năm 2023. Do đó, mùa đông năm 2022 có khả năng không khí lạnh hoạt động sớm. Tuy nhiên nửa cuối mùa đông, nhiệt độ lại cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo thời tiết
Tháng 11, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. (Ảnh: HL)

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia cảnh báo thiên tai và thời tiết cực đoan cho biết, năm nay, La Nina đang giai đoạn muộn, chuẩn bị chuyển sang pha trung tính. Bắt đầu từ đầu năm 2023, La Nina chuyển sang pha trung tính, mưa và lạnh giảm, chuyển sang giai đoạn ấm và khô.

Nhiệt độ trung bình chung của mùa đông năm nay sẽ cao hơn so với các năm trước. Xen kẽ những đợt nắng ấm vẫn có đợt lạnh sâu, nhưng sẽ không kéo dài. Vẫn có thể có những đợt rét đậm, rét hại nhưng nếu tính trung bình chung của những đợt lạnh ấy cộng lại so với trung bình nhiều năm trước sẽ không bằng. Xác suất để có những đợt như thế cũng không nhiều vì khi pha trung tính hoặc El Nino thịnh hành thì cơ hội để tạo ra các đợt lạnh sẽ ít đi.

Theo dự báo của WeatherPlus, tháng 1 và 2/2023, nền nhiệt dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Tháng 2/2023, mùa đông miền Bắc nóng hơn hẳn năm trước. Nhiệt độ cao hơn so với tháng 1/2023 khoảng 0,5-1 độ C và ấm hơn từ 4-5 độ C so với tháng 2/2022.

Trong tháng 2 còn có thể có từ 2-3 đợt không khí lạnh, ít khả năng xuất hiện đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng mà chủ yếu tập trung ở vùng núi Đông Bắc. Nhiệt độ trung bình mùa đông miền Bắc tháng 2/2023 phổ biến từ 18,5-20,5 độ C, vùng núi 16,5-18,5 độ C; nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, núi cao 3-6 độ C.

Theo các chuyên gia, mùa đông không chỉ đến muộn, mà còn có xu hướng ấm lên do tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, 2016 được xem là năm ấm nhất với nền nhiệt mùa đông cao hơn 2,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Các năm 2018, 2019, 2020 nằm trong danh sách 5 năm có mùa đông ấm nhất trong giai đoạn 1986 đến 2020. Số ngày rét đậm với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C và số ngày rét hại với nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C cũng giảm rõ rệt.

Theo thống kê gần 60 năm trở lại đây, số lượng các đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống nước ta ngày càng giảm mạnh. Thông thường, mỗi năm có 29-30 đợt không khí lạnh đi xuống nhưng 10 năm trở lại đây đã giảm còn 25 đợt. Đặc biệt, từ năm 2019, còn 17 đợt không khí lạnh từ Siberia tràn xuống.

Bình luận