Ứng phó cơn bão số 5: Chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân

(VOH) - Trước nguy cơ bão số 5 dự kiến đổ bộ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, nhiều tỉnh Nam Trung bộ đã tổ chức họp khẩn bàn cách ứng phó.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn T.Ư và Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT) cho biết  trong 3 giờ vừa qua, bão số 5 đã mạnh lên.

Vào hồi 7 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 111,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Bình Định-Khánh Hòa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (90km/giờ), giật cấp 11-12.

Ảnh minh họa

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 31/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Campuchia.

Vào chiều 29/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đã ký công điện gửi các tỉnh, thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và các bộ, ngành T.Ư yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5.

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư; các địa phương tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn, kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú. Các tỉnh ven biển căn cứ diễn biến bão chủ động ra lệnh cấm biển.

Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị, các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Ở khu vực miền núi, trung du, các địa phương rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân…

Bài học đắt giá từ cơn bão số 12 (Damrey) hồi tháng 11 của hai năm về trước (2017) khiến hơn một trăm người dân của vùng Nam Trung Bộ thiệt mạng, là sự cảnh tỉnh cho lúc này.

* Tại Khánh Hòa, trong Công điện khẩn của Ủy ban nhân dân (Ủy ban Nhân dân) tỉnh Khánh Hòa phát đi từ trưa 29/10, điều quan tâm đầu tiên của tỉnh là yêu cầu các cơ quan chức năng cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ đến người dân để chủ động phòng tránh; tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền; thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đôi với tàu vận tải và du lịch).

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo Sở GDĐT, các trường học thực hiện cho học sinh, sinh viên nghỉ học trong 2 ngày 30 và 31/10 và có kế hoạch bố trí học bù vào thời gian thích hợp…

Cảng vụ Nha Trang kết hợp với Ban Quản lý Vịnh Nha Trang tiến hành thông báo đến các phương tiện tàu bè du lịch di chuyển, để chủ phương tiện tìm nơi tránh trú an toàn; các canô, tàu du lịch đưa về tránh trú ở cảng Hòn Rớ và sẽ hoàn thành trong chiều 29/10.

Trên bãi biển Nha Trang, các đơn vị hữu trách tăng cường lực lượng tuần tra, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, ngăn ngừa du khách tắm lúc biển động. Cùng với cả tỉnh, Nha Trang cho phép học sinh nghỉ học trong hai ngày 30-31/10.

* Đối với Bình Định, chiều 29/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với mưa bão. hó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định ông Trần Châu yêu cầu các sở ban ngành địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, tránh tâm lý chủ quan.

Các địa phương rà soát, đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch; chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời dân ở các khu vực thấp trũng, có nguy cơ ngập sâu do triều cường; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, trụ sở, trường học, tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ cứu nạn, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, giảm tối thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Đến chiều 29/10, tỉnh Bình Định đã kêu gọi được hơn 5.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn. Các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục cập nhật thông tin, hướng đi của bão; đồng thời hướng dẫn các thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển di chuyển đi trú ẩn an toàn.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, cho biết hiện 165 hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong tỉnh mới chỉ đạt 20% dung tích thiết kế, các hồ đều sẵn sàng tích nước, cắt lũ vùng hạ du.

* Ở Phú Yên, đến 11 giờ trưa 29/10 vẫn còn 345 tàu với 1.924 lao động trong tỉnh đang hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển; toàn tỉnh hiện có 91.000 lồng với 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, đầm vịnh.

Đến 14 giờ ngày 29/10, tất cả các phương tiện đều được lực lượng Bộ đội Biên phòng thông báo thông tin về tình hình, diễn biến áp thấp nhiệt đới, dự báo bão trên biển Đông để chủ động di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm, tìm nơi tránh trú an toàn. Các địa phương cũng đã chủ động cũng kêu gọi các hộ dân sống trên thuyền, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản lên bờ.

Ngư dân Phú Yên đưa tàu cá vào khu neo đậu để tránh bão - Ảnh: TNO

* Còn ở Quảng Ngãi, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng tránh áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ. 

Các huyện, thành phố ven biển, đảo và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức theo dõi, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của Áp thấp nhiệt đới, mưa bão để ngư dân chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho mình và bạn chài.

Số tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi hoạt động trên các vùng biển là 633 tàu với hơn 6.500 lao động; chủ yếu còn hoạt động tại vùng biển Quảng Ngãi, vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa.

Số tàu này đã được các ngành chức năng và gia đình liên lạc để thông báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới, khả năng mạnh lên thành bão để tìm đến nới an toàn tránh trú.

Sáng 29/10, tuyến vận tải biển nối liên giữa Sa Kỳ ra huyện đảo Lý Sơn đã chính thức tạm dừng hoạt động. Việc cho tạm dừng hoạt động vận tải khách, vận tải hàng hóa từ đất liền ra đảo Lý Sơn sẽ kéo dài cho đến khi thời tiết ổn định trở lại.

Cùng thời điểm, các cảng cá tại Quảng Ngãi đã đón hàng trăm lượt tàu thuyền vào neo đậu tránh trú áp thấp nhiệt đới.

 

>> Hải đoàn 32 BTL Vùng Cảnh sát biển 3 khẩn trương ứng phó với nguy cơ bão đổ bộ
(VOH) - Ngày 29/10, các đơn vị trong toàn Hải đoàn 32, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó khi bão đổ bộ.