TPHCM duyệt hệ số điều chỉnh giá đất một dự án làm đường tại Cần Giờ
Theo phê duyệt mới đây của UBND TP HCM, hệ số điều chỉnh giá đất tại dự án làm đường Lương Văn Nho, huyện Cần Giờ dao động trong khoảng từ 6,443 đến 10,656.
UBND TP HCM vừa phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong dự án xây dựng đường Lương Văn Nho, huyện Cần Giờ.
Cụ thể, hệ số điều chỉnh giá đất ở từ 6,471 đến 9,623; đất nông nghiệp từ 9,412 đến 13,719; đất ở để tái định cư từ 6,443 đến 10,656.
Đối với mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, hệ số điều chỉnh là 3,5.
Đường Lương Văn Nho là một trong những tuyến đường xương sống của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ; dẫn thẳng đến bến đò Thạnh An (điểm trung chuyển tới đảo Thạnh An).
Trước đó vào cuối tháng 9, UBND TP HCM cũng vừa giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND huyện Cần Giờ nghiên cứu đề xuất lập các đồ án qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ.
UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP trong phiên họp gần nhất về công tác triển khai ý tưởng lập qui hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 trên địa bàn huyện Cần Giờ và điều chỉnh mở rộng dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.
Giá thuê chung cư khu vực trung tâm TP.HCM cao gần gấp đôi so với Hà Nội
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, nếu xét về độ hấp dẫn của bất động sản và đầu tư thị trường thì TP.HCM vẫn có mức độ biến động giá cao hơn so với thị trường Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường của đơn vị này cũng cho biết, chỉ số giá bất động sản chung cư Hà Nội tăng 1% so với quý trước. Giá thuê chung cư Hà Nội đang có tốc độ tăng cao hơn giá bán. Nếu một chung cư ở Hà Nội cho thuê, chủ nhân cần đến 20,5 năm để hoàn vốn thì con số này tại TP.HCM chỉ là 18,7 năm.
Trong khi đó, thị trường chung cư tại TP.HCM có mức giá rao bán và tốc độ tăng giá cao hơn so với thị trường Hà Nội. Cụ thể, giá rao bán tại TP.HCM trong quý 3/2019 là 37 triệu đồng/m2, tốc độ tăng giá so với quý 3/2018 là 11,8%. Còn giá rao bán quý 3/2019 của Hà Nội là 29 triệu đồng/m2, tốc độ tăng giá so với cùng kì năm ngoái chỉ đạt 3,9%. Con số này nhỏ hơn nhiều lần so với TP.HCM.
Giá cho thuê trung bình trong quý 3/2019 của Hà Nội là 11,1 triệu đồng/tháng, tỉ suất lợi nhuận đạt 5% thì giá thuê trung bình trong quý 3/2019 của TP.HCM đạt 14,2 triệu đồng/tháng, tỉ suất lợi nhuận đạt 5,4%.
Mặt bằng giá chung cư ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm TP.HCM đều cao hơn so với Hà Nội. Giá rao bán chung cư trung bình tại các quận trung tâm Hà Nội là Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình lần lượt là 36, 45, 55 triệu đồng/m2 thì tại TP.HCM các quận trung tâm Phú Nhuận, quận 10, quận 3 có mức giá cao hơn hẳn, lần lượt là 50,55,77 triệu đồng/m2.
Tại khu vực ngoài trung tâm Hà Nội, Đông Anh, Hà Đông, Hoàng Mai có giá rao bán trung bình lần lượt là 20,20,23 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tại TP.HCM, Bình Tân, Bình Chánh, quận 9 có giá bán trung bình lần lượt là 25,25, 29 triệu đồng/m2.
Theo ông Hiếu, sở dĩ thị trường TP.HCM hấp dẫn hơn Hà Nội trên các phương diện từ giá bán, giá thuê, tỉ lệ hoàn vốn, tỉ suất lợi nhuận là bởi dù kinh tế Hà Nội phát triển tốt nhưng TP.HCM luôn được biết đến với vai trò trọng điểm, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước. Độ mở của nền kinh tế ở TP.HCM cũng cao hơn.
Do đó, nhu cầu mua ở và nhu cầu đầu tư của TP.HCM cũng cao hơn so với Hà Nội. Nhiều nhà đầu tư Hà Nội cũng vào TP.HCM đầu tư rất nhiều. Khả năng khai thác kinh doanh bất động sản của thị trường TP.HCM cao cho nên những biến động về giá, tỉ suất lợi nhuận cũng vượt trội hơn so với Hà Nội.
Hà Nội: Nhà mặt phố quận nào đang tăng giá nhiều nhất?
Nhà mặt phố, nhà riêng những tháng qua đã tăng giá đáng kể. Tại Hà Nội, mức tăng 3-5%, nhà mặt phố Cầu Giấy, Đống Đa tăng giá mạnh nhất thời gian qua
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng Bộ phận nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn cho biết, điểm thú vị đối với nhà mặt phố tại thị trường Hà Nội trong quý 3 vừa qua, đó là những quận đã thiết lập mặt bằng giá cao ngất ngưởng như Ba Đình, Hai Bà Trưng đều ghi nhận biên độ tăng giá thấp nhất, dao động từ 2-2,8%.
Cụ thể, Ba Đình với khoảng giá nhà mặt phố từ 320-330 triệu đồng/m2 ghi nhận biên độ tăng thấp nhất trong quý 3/2019, đạt 2%.
Kế đến là Hai Bà Trưng, với khoảng giá nhà mặt phố dao động từ 310-320 triệu đồng/m2, đạt mức tăng 2,8% so với quý trước.
Hai quận có mức giá nhà mặt phố thấp hơn là Cầu Giấy và Đống Đa lại ghi nhận biên độ tăng giá cao hơn so với 2 quận trung tâm Ba Đình và Hai Bà Trưng.
Theo đó, giá nhà mặt phố Cầu Giấy rơi vào 270-280 triệu đồng/m2, đạt mức tăng 3% so với quý trước. Giá nhà mặt phố Đống Đa dao động từ 280-290 triệu đồng/m2, tăng 5% so với 3 tháng trước đó.
Ở phân khúc nhà riêng, thị trường Hà Đông ghi nhận tình trạng giá đi ngang. Mức giá nhà riêng tại quận này tiếp tục dao dộng từ 50-70 triệu đồng/m2, không biến động so với quý trước đó.
Nhà riêng Cầu Giấy với khoảng giá từ 130-150 triệu đồng/m2 có mức tăng cao nhất, đạt 5% so với quý trước. Các quận còn lại là Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa có mức tăng giá dao động từ 2-4%.
Đáng chú ý, theo Batdongsan.com.vn, giá 1m2 nhà mặt phố và nhà riêng tại Hà Nội có xu hướng tăng lên khi diện tích tăng lên. Nhà mặt phố 50m2 tại Cầu Giấy có khoảng giá 250 triệu đồng/m2 nhưng nhà mặt phố 250m2, mức giá đạt 300 triệu đồng/m2. Thực tế này cũng diễn ra tương tự với nhà mặt phố tại Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Trong khi đó, thực tế lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại tại TP.HCM. Diện tích nhà mặt phố, nhà riêng càng lớn thì giá mỗi m2 lại có xu hướng giảm đi. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá trung bình của nhà riêng và nhà mặt phố ở TP.HCM cao hơn so với Hà Nội.
Tại Hà Nội, giá rao bán nhà riêng trung bình trong quý 3/2019 đạt 103 triệu đồng/m2 với diện tích rao bán trung bình là 63m2. Tốc độ tăng giá so với quý 3/2018 là 10%.
Tại TP.HCM, giá rao bán trung bình nhà riêng trong quý 3/2019 là 111 triệu đồng/m2 với diện tích rao bán trung bình 88m2. Tốc độ tăng giá so với quý 3/2018 đạt 26%.
Nhà mặt phố Hà Nội có giá rao bán trung bình quý 3/2019 là 294 triệu đồng/m2 với mức diện tích rao bán trung bình là 87m2.
Tốc độ tăng giá so với quý 3/2018 là 7,2%. Tại TP.HCM, nhà mặt phố có giá rao bán trung bình là 272 triệu đồng/m2 với diện tích trung bình 132m2, tốc độ tăng giá đạt 12,6%.
Gần nửa tỷ đồng mỗi m2 nhà mặt tiền đất vàng Sài Gòn
Nhà mặt phố tại khu lõi trung tâm quận 1, có giá rao bán bình quân dẫn đầu toàn thành phố.
Kênh thông tin Batdongsan.com.vn vừa công bố khảo sát mức bình quân giá chào bán nhà đất trên các chợ trực tuyến tại TP HCM, trong đó, giá ở quận 1 dẫn đầu mọi phân khúc.
Cụ thể, ở nhóm nhà mặt tiền, quận 1 có giá bình quân rao bán tính đến quý III là 490 triệu đồng mỗi m2. Giá mỗi m2 các vị trí còn lại lần lượt ghi nhận quận 3 (bình quân 314 triệu đồng), quận 10 (đạt 261 triệu đồng), Phú Nhuận (230 triệu đồng), Bình Thạnh (189 triệu đồng).
Trong khi đó, ở nhóm nhà phố riêng lẻ vị trí hẻm, quận 1 ghi nhận giá mỗi m2 chào bán bình quân 259 triệu đồng, quận 3 (bình quân 195 triệu đồng), quận 10 (chào bán 170 triệu đồng), quận Phú Nhuận (149 triệu đồng), quận Tân Bình (121 triệu đồng).
Ở nhóm nhà chung cư, quận 1 có giá chào bán bình quân trên thị trường online đạt 114 triệu đồng mỗi m2 trong khi quận 10 đạt 55 triệu đồng, quận Phú Nhuận giữ mốc 50 triệu đồng mỗi m2. Tân Bình và Bình Thạnh lần lượt ghi nhận bình quân giá bán căn hộ đạt 43-46 triệu đồng mỗi m2.
Đối với biệt thự và nhà liền kề số mẫu khảo sát bị khuyết một số khu vực, thiếu quận 1, 3, Tân Bình do không có tin đăng chào bán trong thời gian qua. Giá bán bình quân loại nhà liền thổ này tại quận 7 là 135 triệu đồng mỗi m2, Phú Nhuận ghi nhận 183 triệu đồng mỗi m2, quận 10 và Bình Thạnh vươn lên vùng giá bình quân 254-267 triệu đồng mỗi m2.
Đơn vị khảo sát cho biết, đây chỉ là mức giá khảo sát bình quân trên các chợ trực tuyến ở những địa bàn tiêu biểu được tính theo thuật toán từ dữ liệu Big Data. Trên thực tế trong thời kỳ hậu sốt đất và khan hiếm nguồn cung, giá trần của bất động sản ở các quận tiêu biểu của TP HCM biến thiên ở ngưỡng rất cao so với giá bình quân, có thể đắt gấp đôi thập chí cao hơn.
Hồi tháng 4/2019, một dự án chung cư hạng sang tọa lạc tại quận 1 từng chào bán giá căn hộ ở ngưỡng 168-280 triệu đồng mỗi m2, được xem là cao nhất từ trước đến nay. Những mức giá trần kỷ lục của bất động sản trung tâm TP HCM được cho là chịu tác động kép của sự hạn chế nguồn cung, sự vượt trội về thương hiệu, chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân trực tiếp là thành phố hạn chế cấp phép các dự án tại khu vực quận 1 và quận 3 trong giai đoạn 2018-2020 và rà soát pháp lý các dự án trên diện rộng. Điều này khiến thời gian hoàn thiện hồ sơ các dự án kéo dài, vô tình gây ra khan hiếm hàng hóa tại vùng lõi trung tâm Sài Gòn và cả các quận ngoại thành, dẫn đến tình trạng thừa cơ kích giá bất động sản lên cao.
Lạc quan triển vọng bất động sản khu Đông Sài Gòn
Bất chấp tính thất thường của thị trường thời gian qua do biến động nguồn cung các dự án, thị trường bất động sản TP. HCM đặc biệt là khu Đông thành phố vẫn được dự báo sẽ là tâm điểm của thị trường với lượng nguồn cung dồi dào ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới...
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường tiêu điểm quý III/2019 của CBRE, tình hình tiêu thụ căn hộ vẫn tốt tại các phân khúc với hơn 90% sản phẩm chào bán được tiêu thụ. Có 13.386 căn bán được, tăng 191% theo quý và 113% theo năm. Phần lớn số căn hộ bán được ghi nhận tại dự án Vinhomes Grand Park, quận 9.
Nhờ lượng nguồn cung đáng kể từ phân khúc trung cấp, giá trung bình thị trường giữ mức ổn định hơn so với quý trước đạt 1.852 USD/m2, tăng 15% so với năm trước. Quận 2 và Quận 9 thuộc khu Đông TP. HCM ghi nhận mức tăng giá cao nhất từ 5-10% theo năm.
Nhìn về những tháng cuối năm 2019, theo dự báo của DKRA Vietnam cho biết ở phân khúc căn hộ, khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường, nguồn cung căn hộ hạng C khan hiếm khi chưa có nhiều dự án mới. Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ tăng trong quý cuối của năm 2019, dao động ở mức 400 - 600 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường nhìn chung có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự gia tăng đột biến.
Theo dự báo của nhiều nhà đầu tư bất động sản, năm 2019 và những năm tiếp theo nhiều khả năng giá đất khu vực này sẽ vẫn đi lên, tuy nhiên sẽ không xảy ra những đợt sốt nóng cục bộ, mà xu hướng là tăng bền vững bởi nguồn cung những nền đất có pháp lý hoàn thiện ở những nơi dân cư đông đúc không nhiều, giao dịch nguồn cung thứ cấp sẽ sôi động. Hơn nữa, hạ tầng khu Đông cũng vẫn tiếp tục hoàn thiện nên sẽ kéo giá nhà đất tăng.
Bất động sản Bình Dương "trỗi dậy" vào cuối năm
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường địa ốc tỉnh Bình Dương bổng nhiên sôi động bất thường, kéo theo đó là hàng loạt dự án căn hộ mới được đầu tư xây dựng, các công ty môi giới mở văn phòng hoạt động như "nấm mọc sau cơn mưa", lượng tin đăng mua bán bất động sản tại đây cũng tăng mạnh mẽ.
Theo thống kê mới từ batdongsan.com trong quý 3/2019, thị trường BĐS Bình Dương nổi lên như một "điểm nóng" trên thị trường BĐS cuối năm. Cụ thể, ở phân khúc căn hộ chung cư và đất nền nhu cầu đăng tin mua bán BĐS Bình Dương tiếp tục tăng mạnh so với quý 2/2019. Theo đó, đó, lượng tin đăng mua bán bất động sản tại Bình Dương chỉ đứng sau Hà Nội và TPHCM.
Đặc biệt, so với các tỉnh giáp ranh TPHCM như Long An, Đồng Nai...Bất động sản tại Bình Dương đang có mức độ hấp dẫn nhất thị trường. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lượng tin đăng mua bán bất động sản tại Bình Dương dẫn đầu thị trường với mức tăng 16%.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đăng tin mua bán bất động sản tại Bình Dương đã phản ánh sức nóng của thị trường BĐS này vào thời điểm cuối năm. Theo quan sát, cùng với nhu cầu mua bán tăng mạnh, giá BĐS tại đây cũng ghi nhận xu hướng đi lên.
Lý giải nguyên nhân phân khúc căn hộ chung cư bỗng nhiên tăng trưởng nóng tại Bình Dương, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội của JLL Việt Nam cho biết Bình Dương từ trước đến nay là tỉnh thành công nhất về phát triển công nghiệp. Cùng với đó, dân số ở Bình Dương cũng đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu về nhở ở rất lớn.
Bên cạnh đó, hiện tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ tại Bình Dương lên đến trên 10% mỗi năm, cao hơn nhiều so với lợi nhuận cho thuê căn hộ của TP.HCM. Trong khi đó giá căn hộ tại Bình Dương hiện chỉ bằng 1/3 giá căn hộ tại TPHCM. Đây là lý do chính hiện nay cả nguồn cung và nguồn cầu căn hộ chất lượng tại Bình Dương tăng lên nhanh chóng vào thời điểm cuối năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường Bình Dương vẫn là điểm đến, điểm đầu tư hấp dẫn hàng đầu trong khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng và miền Nam nói chung. Dự báo, cuối năm 2019 - 2020, thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương vẫn tiếp tục phát triển, do tốc độ đô thị hóa và sự tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là phát triển công nghiệp của tỉnh.
Các chuyên gia cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước đang có xu hướng quay trở lại Bình Dương sau thời gian đầu tư ở Đồng Nai, Long An và TPHCM. Bởi so với các khu vực khác, thị trường đất nền Bình Dương tương đối an toàn, vốn đầu tư thấp nhưng nhiều tiềm năng tăng giá trị.
10-20 tỷ đồng/căn shophouse: Không dành cho nhà đầu tư lướt sóng
Để sở hữu một căn shophouse trung bình ở Hà Nội, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng khoảng 10-20 tỷ đồng/căn ở những khu vực vị trí tốt như quận Nam Từ Liêm. Ở những khu vực phía Đông thành phố thì shophouse có giảm khoảng 40-50% so với khu Tây. Còn ở những vị trí trung tâm, khu đất vàng, mức giá có thể đẩy lên tới 30-40 tỷ đồng.
Tại Tp.HCM cũng không "kém cạnh", tại các dự án tại một số quận trung tâm có giá từ 15-25 tỷ đồng, tùy diện tích và vị trí.
Còn tại Đà Nẵng, theo như rao bán trên một số kênh mua bán nhà đất, giá mỗi căn shophouse dao động từ khoảng 2,5 - 12 tỷ đồng/căn tuỳ vị trí. Thậm chí, có dự án shophouse tại quận Liên Chiểu được rao bán với giá hơn 21 tỷ đồng/căn.
Hiện shophouse được xem là sản phẩm có sức hút lớn đối với giới đầu tư và duy trì thanh khoản tốt do số lượng hạn chế. Mặc dù vậy dòng sản phẩm này vẫn còn không ít khuyết điểm có thể khiến nhà đầu tư có thể gặp khó khăn.
Nói về tiềm năng của thị trường shophouse, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở Savills Hà Nội, cho rằng, nhìn chung đây là một sản phẩn bất động sản đầu tư tiềm năng, phù hợp với tâm lý đầu tư của khách hàng Việt Nam: vừa muốn sở hữu bất động sản như tài sản lâu dài vừa muốn kinh doanh kiếm thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, sản phẩm shophouse không phù hợp với những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
Đồng quan điểm, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho rằng, trên thực tế nếu chỉ xét về tỷ suất lợi nhuận cho thuê ròng so với vốn bỏ ra, shophouse liền thổ chưa thật sự hấp dẫn thậm chí còn thấp hơn so với các loại hình khác.
Shophouse tại các đô thị như Hà Nội, Tp.HCM có chi phí không nhỏ, vì vậy không nên đầu tư nếu nhà đầu tư không có tiềm lực tài chính mạnh và phải sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Cũng không nên đầu tư vào shophouse nếu nhà đầu tư có kế hoạch đầu tư ngắn hạn từ 1-2 năm.
TP.HCM: Khách sạn 3-4 sao cạnh tranh khốc liệt với Homestay
Các phòng khách sạn 3-4 sao đang chững lại khi bị cạnh tranh khốc liệt bởi nguồn cung Homestay, phát triển trên các nền tảng trực tuyến.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP năm 2019 của Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,5%. Đây là mức khá cao trong khu vực, chỉ thấp hơn GDP của Philippines là 6,6%, trong khi GDP năm 2019 của Thái Lan chỉ ở mức 3,5%, Malaysia 4,8%, Indoniesia 5,2%, Singapore là 2,4%.
Với sự tăng trưởng tốt của nền kinh tế, Chỉ số niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam cũng rất khả quan khi đạt mức 34,7 điểm, cao hơn Indonesia là 19,2 điểm, Thái Lan là âm 1,4 điểm, Malaysia là âm 5,8 điểm và Singapore là âm 11 điểm, điều này có được nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam, cho biết tại buổi Báo cáo Tổng quan Thị trường bất động sản TP.HCM trong quý III/2019.
Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, lượng khách du lịch quốc tế đến TP.HCM tiếp tục tăng và đạt hơn 6,2 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm trước và cao hơn mức trung bình cả nước 3% khiến cho nhu cầu thuê phòng khách sạn tại thành phố tăng mạnh. Công suất cho thuê phòng khách sạn đạt tỷ lệ 61% với nguồn cung 16.200 phòng khách sạn.
Tuy nhiên, ông Troy Griffiths nhấn mạnh về sự thay đổi trong quý III năm nay là lượng phòng khách sạn 5 sao bị ngưng hoạt động tới 253 phòng tại khách sạn Caravelle, New World, Renaissance do đang được nâng cấp toàn diện, có thể mất hơn 01 năm để hoàn thành.
Dù thiếu hụt phòng 5 sao, nhiều dự đoán khách du lịch quốc tế sẽ sử dụng phòng thấp cấp hơn. Tuy nhiên, thống kê quý III cho thấy các phòng khách sạn 3-4 sao đang chững lại khi bị cạnh tranh khốc liệt bởi nguồn cung Homestay phát triển trên các nền tảng trực tuyến, và TP.HCM cũng là nơi tập trung lượng phòng trực tuyến cao nhất nước.
Giá thuê phòng khách sạn vẫn đi lên do giá trung bình ở phân khúc 5 sao tăng mạnh. Giá thuê trung bình toàn thị trường đạt 83 USD/phòng/đêm (1,950 triệu đồng/phòng/đêm), tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù phải cạnh tranh với các điểm đến mới nổi khác có cùng lợi thế sân bay quốc tế nhưng các khách sạn 5 sao ở TP.HCM sẽ không cạnh tranh bằng việc giảm giá mà còn có thể tăng giá sau các hoạt động nâng cấp, cải thiện dịch vụ.
Đặc biệt, theo ông Troy Griffiths, các thương hiệu quốc tế gia tăng tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường khách sạn còn béo bở này khi tỷ lệ gia nhập của các thương hiệu quốc tế còn thấp. Mới chỉ có 62% trong số 5.000 phòng sắp khai trương dự kiến sẽ được quản lý bởi các đơn vị tên tuổi, như: Hilton Saigon (350 phòng), Mandarin Oriental Saigon (228 phòng), và Holiday Inn & Suite Saigon High Tech (300 phòng)…
Thừa Thiên - Huế: Ðất cằn ven biển được "thổi giá" tiền tỷ
Chính quyền xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) phát đi cảnh báo khẩn đến người dân, đề nghị thận trọng trong giao dịch đất đai, sau khi giới đầu cơ “ăn theo” dự án du lịch nghìn tỷ vừa khởi công ven biển.
Hơn nửa tháng trước, tại xã Vinh Thanh diễn ra khởi công một dự án du lịch với giá trị đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng bằng 100% vốn nước ngoài, triển khai trên diện tích hơn 50ha đất ven biển. Ngay sau đó, tại Vinh Thanh bỗng xuất hiện nhiều người thuộc giới đầu cơ bất động sản đến từ nhiều tỉnh, thành tìm về đây lùng gom mua đất ven biển, đất gần dự án nghỉ dưỡng, đất nông nghiệp…
Cùng thời điểm này, tại Vinh Thanh còn dậy sóng về thông tin có một lô đất cằn làng quê do dân địa phương mua cách đây gần 2 năm chỉ 380 triệu đồng, vừa được bán với số tiền “trên trời” 4,2 tỷ đồng.
Xác minh từ chính quyền địa phương, đây là thông tin có thật. Việc mua 400m2 đất trong thời gian ngắn đã sinh lãi đến 3,8 tỷ đồng khiến không ít người sinh nghi về giá trị thực của lô đất. Trước đó, đất ở vùng bãi ngang này đất ở thường ế ẩm mỗi khi tổ chức đấu giá, với mức giá chưa tới 1 triệu đồng/m2.
Quảng Bình chỉ định nhà đầu tư Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 hơn 1.020 tỷ đồng
Tới đây, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ thực hiện chỉ định nhà đầu tư tại Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 có tổng vốn đầu tư 1.020 tỷ đồng trong quý IV/2019...
Theo kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư vừa được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt, Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 sẽ thực hiện chỉ định nhà đầu tư trong quý IV/2019.
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện là 1.020 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 18,3 ha; thời hạn hoàn thành dự án là trong năm 2023.
Ngoài dự án này, trên địa bàn trên địa bàn xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới còn có 2 dự án quy mô lớn khác trong đó, Khu đô thị Bảo Ninh 1 có tổng chi phí thực hiện 1.160 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất là 21,03 ha. Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 3 có tổng chi phí thực hiện là 920 tỷ đồng với quy mô sử dụng đất là 16,49 ha.
Các dự án nêu trên được kỳ vọng sẽ hình thành khu đô thị mới khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu nhà ở và cung cấp dịch vụ của người dân, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị TP. Đồng Hới.
Trước đó hồi đầu tháng 10, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng 95.308 m2 đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp và giao đất cho Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến và Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn thực hiện Dự án Khu nhà ở thương mại thôn Hà Thiệp - Bắc Ninh tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Dự án Khu nhà ở thương mại thôn Hà Thiệp - Bắc Ninh được quy hoạch với 53.366 m2 đất ở; 2.254 m2 đất công trình công cộng khác; 37.460 m2 đất giao thông và 2.228 m2 đất thuỷ lợi.
Tạm dừng thi công dự án lấn biển xây thủy cung, nhà hàng ở TP Vũng Tàu
Ông Nguyễn Thành Long, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vừa đã ký văn bản yêu cầu tạm dừng ngay thi công dự án lấn biển xây thủy cung, nhà hàng tại TP biển Vũng Tàu.
Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giao cho Sở Xây dựng trước mắt yêu cầu chủ đầu tư tạm ngưng thi công ở phía biển, dừng ngay hạng mục đê kè chắn sóng và san lấp mặt bằng cho đến khi có ý kiến khác của UBND tỉnh.
Phía tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, làm việc với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án, các tác động đến khu vực xung quanh, đặc biệt là môi trường du lịch.
Trước đó, chiều ngày 10/10, tại cuộc họp giao ban báo chí, ông Vũ Hồng Thuấn – Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu đã đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, giao sở ngành liên quan rà soát nghiên cứu ý kiến của người dân, báo chí đối với dự án lấn biển có khả năng ảnh hưởng môi trường, di tích lịch sử quốc gia Bạch Dinh.
Xây thêm trạm thu phí trên tuyến tránh BOT Cai Lậy
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho biết, Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đã thống nhất chọn phương án 2, xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh BOT Cai Lây.
Theo đó, trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy sẽ đưa vào sử dụng sau Tết Nguyên đán 2020, thu phí song song với trạm cũ.
Theo Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang, lợi thế của phương án xây dựng thêm trạm mới là phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe cho quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Cai Lậy.
TP.HCM làm cao tốc nối với Tây Ninh
Thủ tướng vừa giao TP. HCM làm chủ đầu tư dự án cao tốc đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dài hơn 53 km, vốn đầu tư gần 10.700 tỷ đồng, theo hình thức BOT.
Tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài được quy hoạch từ lâu, về nguyên tắc sẽ do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng có một số lý do nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Thời gian gần đây giao thương với Campuchia tăng rất nhanh, quốc lộ 22 nối TP HCM với Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài, đang quá tải.
Do đó, TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho thẩm quyền tổ chức triển khai dự án (chủ đầu tư), phối hợp Tây Ninh bỏ tiền giải phóng mặt bằng. Khi có đất sạch, thành phố sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (kinh doanh - xây dựng - chuyển giao) để tuyến đường sớm hoàn thành.
Cao tốc TP. HCM – Mộc Bài dài 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP. HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP. HCM - Trảng Bàng (dài 33 km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h). Tổng mức đầu tư gần 10.700 tỷ đồng. Ở giai đoạn hai sẽ làm 6 - 8 làn xe.
Hai địa phương cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường (phía TP HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ); phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.