Bản tin bất động sản hôm nay 25/12: Bảng giá đất địa phương sẽ tăng không quá 20%

(VOH) - Bản tin bất động sản ngày 25/12 có những nội dung nổi bật sau: Đề xuất cho người dân vay tín chấp để mua nhà ở xã hội tại TP.HCM; Giá thuê nhà phố mặt tiền tăng mạnh…

Bảng giá đất địa phương sẽ tăng không quá 20%

Bộ TN&MT vừa có Công văn 6825/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo xây dựng bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 dựa trên khung giá đất mới vừa được Chính phủ ban hành.

Bộ TN&MT đề nghị UBND cấp tỉnh căn cứ khung giá đất để xây dựng dự thảo bảng giá đất, xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP và trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2019. Đây là khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá đất tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 11 Nghị định 44/2014/NĐ-CP so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 96/2019/NĐ-CP.

Dự án dành cho người thu nhập thấp nhưng rất đông người mua thu nhập... cao

Thanh tra TP. Đà Nẵng đã có kết luận về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác xét duyệt, quản lý và sử dụng Nhà ở xã hội tại chung cư An Trung 2.

Kết quả kiểm tra hồ sơ xét duyệt tại Liên doanh DMC - 579 (chủ đầu tư) trong 324 trường hợp được mua Nhà ở xã hội, có 43 trường hợp hồ sơ xét duyệt không có các giấy tờ chứng minh đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện để hưởng chính sách Nhà ở xã hội.

Sau khi đoàn thanh tra có văn bản gửi kèm theo danh sách đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Đà Nẵng rà soát và xác nhận đối với 553 trường hợp có hồ sơ xin mua căn hộ thuộc diện Nhà ở xã hội.

Qua kết quả kiểm tra, đối chiếu đối với 324 trường hợp được duyệt mua Nhà ở xã hội thể hiện: có 24 trường hợp có nhà trên đất, 11 trường hợp có 2 thửa đất trở lên, 42 trường hợp có 1 thửa đất.

Đề xuất cho người dân vay tín chấp để mua nhà ở xã hội tại TP.HCM

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có công văn gửi UBND thành phố liên quan đến kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, vào tháng 11-2019, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM có tổ chức tọa đàm về cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.

Qua tọa đàm đã chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cũng như các đề xuất tháo gỡ. Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố.

Hiện tại, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội không khác dự án nhà ở thương mại, thậm chí phải chịu thêm một số thủ tục khác như thẩm định giá, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, cả hai loại hình dự án này đang gặp nhiều khó khăn trong thủ tục về tài chính và đất đai.

Một số dự án nhà ở xã hội triển khai rất khó khăn, kéo dài, thậm chí không thực hiện được do còn một phần đất dự án không thỏa thuận được giá bồi thường, hỗ trợ với người dân, vướng đất do Nhà nước quản lý.

Ngoài ra, chi phí bồi thường theo quy định không được tính vào giá bán nhà ở xã hội, gây thiệt hại về tài chính cho chủ đầu tư, không đảm bảo mức tối đa lợi nhuận 10% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đặc biệt, khi chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở xã hội để vay tiền ngân hàng, người mua không thể vay tiền ngân hàng bằng thế chấp chính căn nhà muốn mua. Người mua nhà ở xã hội thường không có hình thức thế chấp nào khác nên họ không thể tiếp cận được các khoản vay.

Từ thực tế trên, các ý kiến tại tọa đàm cho rằng cần đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép dùng tín chấp, thay vì thế chấp, để khách hàng vay tiền ngân hàng mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đề xuất Bộ Tài chính cho phép tính chi phí bồi thường vào giá bán nhà ở xã hội để đảm bảo công bằng cho chủ đầu tư.

Đối với các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất trên 10ha cần có biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư không hoặc chậm trễ đầu tư nhà ở xã hội. Quỹ đất này cần được thu hồi hoặc thành phố hoàn tiền để giao cho chủ đầu tư khác phát triển dự án nhà ở xã hội.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, TP.HCM có trên 470.000 hộ gia đình chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân; trong đó có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ công chức, viên chức chưa có nhà ở hoặc ở chung với cha mẹ, người thân.

Toàn thành phố hiện có khoảng 18.000 hộ gia đình bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị, không đủ điều kiện bồi thường hoặc không đủ để mua nhà ở thương mại trên thị trường.

Giá thuê nhà phố mặt tiền tăng mạnh

TP HCM Giá chào thuê nhà mặt tiền tại quận 1 vọt lên 35% sau một năm trong khi giá rao bán tăng 10%.

Kênh thông tin Batdongsan.com.vn vừa công bố báo cáo diễn biến thị trường nhà phố mặt tiền trên các chợ trực tuyến và chỉ ra nhóm tài sản này có giá thuê tăng cao trong năm 2019. So với năm 2018, thống kê từ các chợ bất động sản online, hiện giá chào bán nhà mặt tiền tại quận 1 tăng 10% trong khi giá chào thuê leo thang đến 35%.

Tương tự, biến động giá rao bán nhà mặt tiền tại quận 10 chỉ tăng 13% nhưng giá chào thuê đã đội lên 20% trong 12 tháng qua. Nhà mặt phố tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình và Bình Thạnh cũng có giá chào thuê tăng 12-15% so với năm 2018.

Các loại hình bất động sản liền thổ khác như nhà phố dự án, biệt thự hay nhà nhà phố hẻm luôn có giá thuê khá thấp và tăng giá ở biên độ cực thấp. Nguyên nhân giá thuê nhà phố mặt tiền khu vực trung tâm TP HCM tăng cao là do khả năng khai thác thương mại tốt.

Cũng theo báo cáo của kênh thông tin này, nhà mặt phố là loại tài sản có giá bán cao hơn biệt thự, nhà liền kề hay nhà hẻm. Tính đến quý IV/2019 giá chào bán nhà mặt phố tại Sài Gòn bình quân 161 triệu đồng mỗi m2. Các khu vực thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhà mặt phố gồm quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Tân Phú. Đây là những quận có mật độ dân số cao và lưu lượng dân cư di chuyển cơ học sôi động.

Xét về giá bán, nhà phố mặt tiền ở vùng giá 100-200 triệu đồng mỗi m2 nhận được sự quan tâm nhiều nhất trên các chợ trực tuyến trong khi đó loại diện tích phổ biến được tìm kiếm nhiều là 70-90 m2.

Giá đất đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi vẫn 162 triệu đồng/m2

Sở Tài nguyên và môi trường đề xuất giữ nguyên giá đất năm 2020 tại TP.HCM bằng mức giá hiện hành. Theo đó, cao nhất là một số tuyến đường như Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi với 162 triệu đồng/m2.

Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM vừa chính thức trình UBND TP phương án ban hành giá đất mới cho chu kỳ 5 năm (2020-2024) theo hướng giữ nguyên mức giá hiện hành của các tuyến đường.

Căn cứ theo tình hình thực tế, sở cũng đề xuất bổ sung cập nhật thêm 368 tuyến đường mới ở các quận, huyện và giá đất trong Khu công nghệ cao, đồng thời cũng loại bỏ giá đất ở 266 tuyến, đoạn đường do đã điều chỉnh.

Theo đó, giá đất ở cao nhất trên địa bàn TP vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi ở quận 1 với mức 162 triệu đồng/m2. Giá đất ở đô thị của TP.HCM thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2.

Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở.

Giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2…

Dự kiến dự thảo bảng giá đất mới trên sẽ được UBND TP trình HĐND TP thông qua vào kỳ họp bất thường từ nay đến hết năm, sau đó sẽ ban hành quyết định về bảng giá đất mới để kịp áp dụng vào ngày 1-1-2020.

Thanh Hóa đổi 55,84 ha đất lấy 5,84 km đường

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 lô đất đối ứng thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Hải Hòa - Bình Minh, huyện Tĩnh Gia.

Theo phê duyệt, ranh giới: khu đất lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, có diện tích khoảng 55,84 ha.

Khu đất này được quy hoạch là khu dân cư đô thị phát triển mới, các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ được xác định theo định hướng Đồ án Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 07/21/2018.

Để thực hiện quyết định trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao liên danh Công ty cổ phần xây dựng VNC và Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Đạt Tài hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ, bàn giao cho UBND huyện Tĩnh Gia để công bố và quản lý quy hoạch theo quy định.

Một doanh nghiệp Hàn Quốc muốn xây khách sạn 39 tầng tại TP. Quy Nhơn

Công ty TNHH HANA E&C (Hàn Quốc) vừa thể hiện mong muốn được đầu tư dự án khách sạn 5 sao tại TP. Quy Nhơn với quy mô 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, diện tích đất khoảng 10.000 m2, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD,

Theo đó, tại buổi làm việc với Công ty TNHH HANA E&C, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng rất hoan nghênh việc Công ty TNHH HANA E&C đăng ký đầu tư tại Quy Nhơn đồng thời đề nghị Công ty chuẩn bị hồ sơ, tham gia đấu giá khi tỉnh triển khai.

Trước đó vào tháng 7/2019, UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành tiêu chí đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án tại khu đất K200, đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Quy Nhơn.

Được biết, khu đất đấu giá có diện tích 10.775,6 m2. Mục đích sử dụng đất là xây dựng công trình khách sạn cao cấp (tiêu chuẩn 4 - 5 sao); thời hạn sử dụng đất 50 năm; giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất sẽ do UBND tỉnh phê duyệt.

Để đấu giá được khu đất này, tỉnh Bình Định yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết đầu tư xây dựng dự án tối thiểu 1.511 tỷ đồng. Ngoài ra, trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục để có thể khởi công xây dựng các hạng mục của dự án.

Cựu Giám đốc Công ty CP Sông Đà Nha Trang bị bắt

Chiều 24/12, Cơ quan An ninh điều tra đã tổ chức khám xét tại trụ sở Công ty CP Sông Đà Nha Trang trên đường Bãi Dương, phường Vĩnh Hải, TP Nha Trang. Nơi đặt văn phòng làm việc của công ty này bị phong tỏa.

Đến khoảng 17h30, lực lượng chức năng hoàn tất khám xét trụ sở của Công ty CP Sông Đà Nha Trang. Hàng chục thùng các tông được đưa ra xe tải. Ít phút sau, ông Uy lên xe thùng cảnh sát đưa đi bằng cửa sau.

Một nguồn tin cho biết vụ việc nói trên liên quan đến dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập ở phường Xương Huân (TP Nha Trang) mà Công ty CP Sông Đà Nha Trang là đại diện chủ đầu tư. Dự án này nằm ở vị trí hết sức đắc địa ở TP Nha Trang mà Báo Người Lao Động nhiều lần phản ánh.

Dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập có tổng diện tích 7,9 ha, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt quy hoạch 1/500 lần đầu năm 2003, đến nay đã qua đến 8 lần điều chỉnh quy hoạch nhưng vẫn là bãi đất trống, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Novaland là nhà phát triển bất động sản tốt bậc nhất Đông Nam Á-Tại Lễ trao giải Bất động sản Dot Property Southeast Awards 2019 lần thứ 04, Tập đoàn Novaland đã được xướng tên tại hạng mục Developer of the Year 2019.
Tập đoàn Novaland vinh dự nhận giải thưởng Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc châu Á 2019 - Tại Lễ trao giải thưởng Kinh doanh xuất sắc Châu Á 2019 lần thứ 13, Tập đoàn Novaland vinh dự được xướng tên hạng mục Doanh nghiệp Việt Nam xuất sắc Châu Á 2019.
Bình luận