Bản tin bất động sản hôm nay 27/11: Năm 2020, Hà Nội, TPHCM đồng loạt tăng giá, đất nền tỉnh lẻ giảm

 (VOH) - Bản tin bất động sản 27/11 có những nội dung nổi bật sau: Mua nhà không được cấp 'sổ đỏ': Người dân có thể kiện, địa phương có trách nhiệm hỗ trợ; Vốn ngoại rót hơn 3,3 tỉ USD vào BĐS Việt

Lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thị trường BĐS năm 2020: Hà Nội và TPHCM đồng loạt tăng giá, đất nền tỉnh lẻ sụt giảm mạnh

Lãnh đạo Bộ Xây dựng dự báo thị trường BĐS năm 2020: Hà Nội và TPHCM đồng loạt tăng giá, đất nền tỉnh lẻ sụt giảm mạnh

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng vừa đưa ra những dự báo về thị trường BĐS trong năm 2020 tại Diễn đàn BĐS Việt Nam thường niên lần thứ hai được tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội.

Theo đó, ông Hưng cho biết dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nguồn cung bất động sản nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%. Tại Tp. Hồ Chí Minh, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%.

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ, sau diễn biến từ vụ việc của Công ty Alibaba, công tác quản lý của chính quyền sẽ chặt chẽ hơn, khó có Dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền, dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt giảm mạnh.

Với thị trường bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang, ... dự báo thị trường tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017-2018.

Mua nhà không được cấp 'sổ đỏ': Người dân có thể kiện, địa phương có trách nhiệm hỗ trợ

"Để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm đứng ra bảo vệ người dân hoặc hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án".

Đó là khẳng định của ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại một buổi giao lưu trực tuyến về những vướng mắc trong việc cấp "sổ đỏ" cho người dân, ngày 26/11.

Theo ông Phấn, quá trình thực hiện dự án phát triển nhà ở của chủ đầu tư trải qua nhiều bước, nhiều công đoạn với sự chi phối, áp dụng thực hiện nhiều pháp luật có liên quan, trong đó, chủ đầu tư một số dự án phát triển nhà ở có vi phạm ở một hoặc một số khâu của các pháp luật có liên quan như thủ tục đầu tư, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng, pháp luật về tài chính tín dụng, cụ thể:

Mặc dù chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về đầu tư pháp lý về dự án đầu tư, thủ tục đầu tư, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhưng đã tổ chức triển khai dự án và bán nhà cho người mua nhà.

Việc một số chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp chưa được phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền nhưng chủ đầu tư thứ cấp đã thực hiện việc bán căn hộ cho người mua.

Hoặc một số chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng không đúng quy định của pháp luật về xây dựng như: xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt (xây dựng vượt diện tích, vượt số tòa, số căn, số tầng, xây không đúng vị trí, tự ý thay đổi mật độ xây dựng, công năng công trình); dự án nhà ở thấp tầng không xây dựng nhà để bán mà vẫn phân lô, bán nền dẫn đến bỏ hoang hóa đất nhiều năm, gây lãng phí đất đai.

Một số chủ đầu tư vừa thực hiện việc thế chấp tài sản tại Ngân hàng đồng thời lại tổ chức bán tài sản (căn hộ) cho người mua. Có dự án chưa được nghiệm thu các yêu cầu cần thiết như: Phòng chống cháy nổ, điện nước... nhưng đã tổ chức bán căn hộ cho khách hàng.

Cũng theo ông Phấn, việc bồi thường cho người dân khi đã nộp tiền mua nhà nhưng chủ đầu tư không thể khắc phục được vi phạm và phải ngừng cấp giấy chứng nhận cho người mua thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật nhà ở và pháp luật đất đai.

Còn theo ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), pháp luật đã có quy định trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua nhà (quy định khống chế số tiền tối đa được thu của chủ đầu tư) cũng như quyền yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại (nếu có) trong việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng (trong đó có trách nhiệm làm thủ tục và bàn giao "sổ đỏ" cho người dân).

Người dân cũng có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án để yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của mình khi chủ đầu tư không thực hiện việc làm thủ tục đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.

Ông Hà Quang Hưng khuyến nghị, để tránh những rủi ro, người dân trước khi mua nhà nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc đề nghị chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ pháp lý có liên quan của dự án, như: quyết định chủ trương đầu tư, văn bản xác .

Hội thảo về đô thị sinh thái thông minh tại Novaland Expo 2019

Kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch và bất động sản sẽ bàn giải pháp phát triển đô thị sinh thái bền vững, tại triển lãm Novaland Expo 2019.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu phát triển năng động, chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Đây sẽ là khu vực kinh tế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Theo đó, khu vực phía Nam sẽ có 4 cực phát triển đóng vai trò quan trọng gồm: Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Mỹ Tho (Tiền Giang). Cùng với đó là 15 đô thị vệ tinh với TP HCM là trung tâm tạo sự liên kết mang tính hệ thống giữa các đô thị trong vùng.

Với định hướng phát triển bền vững, bài toán tăng trưởng xanh cho TP HCM cũng như các đô thị vệ tinh trở nên cấp thiết với chính quyền thành phố cũng như các doanh nghiệp bất động sản. Đây sẽ là thành tố quan trọng tham gia quy hoạch, phát triển các khu đô thị, khu dân cư theo hướng sinh thái, thông minh và bền vững.

Câu chuyện giải pháp phát triển mô hình đô thị sinh thái thông minh, đáp ứng nhu cầu sống xanh chất lượng của cư dân đô thị sẽ là nội dung chính tại hội thảo "Đô thị sinh thái thông minh - Giải pháp sống xanh bền vững" diễn ra lúc 8h30 sáng ngày 7/12 tại 26 Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM. Hội thảo nằm trong khuôn khổ triển lãm Novaland Expo 2019 diễn ra từ ngày 4 đến ngày 8/12 tại cùng địa điểm.

Tại hội thảo, các chuyên gia sẽ thảo luận về thực trạng của các đô thị lớn và giải pháp đô thị vệ tinh với mô hình đô thị sinh thái tương lai. Bài toán quy hoạch đô thị sinh thái tương lai chuẩn mực cùng với những tiêu chuẩn khắt khe cũng sẽ là câu chuyện được trao đổi trong sự kiện.

Các kiến trúc sư, chuyên gia bất động sản, chuyên gia quy hoạch đô thị cũng sẽ chia sẻ về những yếu tố cần và đủ của một đô thị sinh thái thông minh tương lai và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển. Cùng với đó là câu chuyện lợi ích từ không gian sống xanh đối với con người, nhất là sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai.

Cư xá Thanh Đa được gia hạn xây dựng lại sau năm 2020

Dự án cải tạo cụm chung cư thuộc khu cư xá Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh) đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương và giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư từ năm 2010. Sau 9 năm, dự án vẫn nằm trên giấy.

Trước đó, ngày 5/4, UBND TP. HCM đã ra "tối hậu thư" - yêu cầu CTCP Phát triển nhà Thanh Đa hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12. Sau thời hạn này mà không hoàn thành, UBND thành phố sẽ thu hồi chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, tại báo cáo này, Sở Xây dựng cho rằng việc hoàn thành thủ tục trước 31/12 là không khả thi.

Theo Sở Xây dựng thành phố, thực tế sau khi được công nhận chủ đầu tư dự án (tháng 12/2017), CTCP Phát triển nhà Thanh Đa đã triển khai một số công việc như phối hợp với UBND quận Bình Thạnh thống kê, rà soát thông tin các hộ dân tại 6 lô số còn lại để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư.

Ngoài ra, công ty cũng nộp vào tài khoản của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh để hoàn trả chi phí bồi thường lô IV - VI với số tiền hơn 122 tỷ đồng.

TP. HCM kiến nghị các giải pháp phát triển khu công nghiệp

UBND TP. HCM vừa có kiến nghị Bộ kế hoạch và Đầu tư, xây dựng mới 1 khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao phù hợp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đồng thời, UBND TP. HCM cũng kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển khu công nghiệp như: ban hành luật về khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các Ban Quản lý các khu công nghiệp tại địa phương; bổ sung chức năng thanh tra, xử phạt cho Ban Quản lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với khu chế xuất, khu công nghiệp và kịp thời xử lý các vi phạm của doanh nghiệp.

TP. HCM duyệt nhiệm vụ chọn ý tưởng thiết kế không gian ngầm khu nhà ga Bến Thành

Cuộc thi tuyển chọn "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm nhà ga Bến Thành" nhằm lựa chọn ý tưởng thiết kế đô thị về không gian cảnh quan công cộng cho khu vực quảng trường trước chợ Bến Thành (quảng trường Quách Thị Trang cũ) và trục đường Lê Lợi; trong đó kết hợp, kế thừa phương án tổ chức không gian, cảnh quan trục đường Lê Lợi đã được đơn vị tư vấn Idom Ingeniería Consultoria S.A - Tây Ban Nha thực hiện nghiên cứu rất khoa học trong cuộc thi "Thiết kế Ý tưởng về cảnh quan và bố cục không gian khu phố đi bộ trong khu trung tâm TP. HCM".

Vốn ngoại rót hơn 3,3 tỉ USD vào bất động sản Việt

Theo Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 31,8 tỉ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,69 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể tính đến ngày 20.11, có 3.478 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 28,2% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vốn đăng ký cấp mới 14,68 tỉ USD, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018. 

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 8.561 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại với tổng giá trị vốn góp 11,24 tỉ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2018. Hình thức góp vốn mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,02% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,78% và 11 tháng năm 2019 chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 21,56 tỉ USD. Đứng thứ hai là lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư 3,31 tỉ USD, chiếm 10,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu so với 11 tháng của năm 2018, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 6,5 tỉ USD thì năm nay vốn ngoại đã giảm gần 50%.

Nhiều tín hiệu khởi sắc, bất động sản Gia Lai tăng giá tích cực

Cộng hưởng sức nóng từ quy hoạch đồng bộ và làn sóng đầu tư mới, giá đất tại thành phố Pleiku cũng như toàn tỉnh Gia Lai hiện nay đã tăng trung bình từ 1,5 đến 2 lần so với vài năm trước đó.

Bất động sản của Gia Lai chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2018, khi Quyết định thực hiện quy hoạch xây dựng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua. Theo đó, tỉnh Gia Lai sẽ là trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; là vùng kinh tế tổng hợp bao gồm kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông nghiệp-lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên

Gia Lai được xem là cửa ngõ thuận tiện kết nối với các đô thị quan trọng của Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh, Duyên Hải Nam Trung Bộ, vùng biên giới Việt Nam - Campuchia qua các quốc lộ 14, 19, 25, Đường Hồ Chí Minh, cửa khẩu Lệ Thanh…

Với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải Gia Lai từ năm 2011 - 2020 có tổng kinh phí là 24.223 tỷ đồng đã được phê duyệt, hệ thống giao thông hạ tầng của tỉnh ngày càng được hoàn thiện

Tỉnh đã xây dựng được 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài là 722km, trong đó đường Hồ Chí Minh chạy theo hướng Bắc - Nam dài 105 km và quốc lộ 19 dài 168 km, nối với tỉnh Bình Định và Campuchia là hai tuyến đường huyết mạch. Hai tuyến quốc lộ này chạy xuyên tâm và giao nhau tại thành phố Pleiku.

Giá đất tại các tuyến đường chính như Hùng Vương một vài năm trước là 20 – 50 triệu đồng/m2 thì đến cuối 2018 mỗi mét vuông có thể có giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Các đường thuộc khu vực trung tâm như: Trần Phú, Phan Đình Phùng… giá đất không dưới 1,5 tỷ đồng/m ngang.

Giá đất tăng nhanh hứa hẹn mở ra viễn cảnh tươi sáng cho thị trường bất động sản Gia Lai, tạo đà cho nền kinh tế tỉnh phát triển nhanh và mạnh trong thời gian tới.

Nhiều tập đoàn “khủng” quy tụ tại Novaland Expo tháng 12/2019- Cũng trong khuôn khổ Novaland Expo tháng 12, nhằm mang đến những thông tin rõ nét hơn về những giải pháp thi công xây dựng tiên tiến hiện nay.
“Bộ sưu tập” Bất động sản tại Novaland Expo 2019 - Cơ hội lớn cho nhà đầu tư- Triển lãm Bất động sản Novaland Expo tháng 12 (từ ngày 4-8/12/2019) không chỉ mang đến bức tranh tổng thể thị trường trong nhiều lĩnh vực mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
Bình luận