Thông tin trên được công bố tại Hội thảo tham vấn báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia 2030 vì sự phát triển bền vững nhằm nhìn lại việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, diễn ra ngày 26/11/2024 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác Đức (GIZ) tổ chức tại Hà Nội.
Theo báo cáo, trên phương diện so sánh quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong thực hiện SDGs. Trên phạm vi toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam về kết quả thực hiện SDGs liên tục tăng lên trong giai đoạn 2016-2024.
Kết quả trên phản ánh những nỗ lực tích cực của Việt Nam thực hiện đồng bộ các mục tiêu bền vững. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng- kênh cung ứng tài chính quan trọng của nền kinh tế, và luôn xác định vai trò, trách nhiệm trong việc "xanh hóa" dòng vốn đầu tư cho mục tiêu phát triển bền vững.
Theo số liệu mới nhất, giai đoạn 2017-2023, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm. Đến 31/3/2024, đã có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 636.964 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội của hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, đến nay đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 21%/tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Gần đây, nhiều ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng xanh, đồng thời cam kết sẽ tăng nguồn vốn cho các lĩnh vực thân thiện môi trường.
Tại HDBank, nhận thức được vai trò và ý nghĩa của tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, những năm qua, HDBank xác định tín dụng xanh, tài trợ xanh cùng các hoạt động cộng đồng trở thành những nội dung ưu tiên trong chiến lược phát triển.
Năm 2024, HDBank tiếp tục đẩy mạnh tích hợp công nghệ số nhằm phục vụ nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ tại các khu vực nông thôn và đô thị đang phát triển. Kết quả kinh doanh của HDBank cũng nổi bật với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 12.655 tỷ đồng, các chỉ số ROE và ROA thuộc nhóm dẫn đầu ngành, phản ánh sức mạnh tài chính bền vững và năng lực quản lý rủi ro hiệu quả.
Ngân hàng cũng tiên phong trong việc thành lập Ủy ban ESG để giám sát thực thi các sáng kiến bền vững, phát hành báo cáo phát triển bền vững nhằm nâng cao nhận thức về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2024, HDBank tiếp tục chủ động thực hiện trách nhiệm xã hội qua các chương trình hỗ trợ khách hàng phục hồi sau bão số 3 với gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng, hỗ trợ người dân các tỉnh phía Bắc tái thiết sau thiên tai. Mới đây, HDBank cùng các đơn vị thành viên đã đóng góp 80 tỷ đồng vào chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Những kết quả đạt được của HDBank trong lĩnh vực tín dụng xanh và phát triển bền vững đã được công nhận bởi nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm các giải thưởng “Green Deal Award” từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và “Best Green Financing in Vietnam” từ The Asian Banker Vietnam Excellence Awards. Gần đây, HDBank tiếp tục được ADB vinh danh là “Ngân hàng đối tác hàng đầu tại Việt Nam” trong Chương trình tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 29/11/2024 tại Hà Nội, HDBank tiếp tục đáp ứng đầy đủ 153 chỉ tiêu của Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI) để nhận được danh hiệu này trong 6 năm liên tiếp.
HDBank là thương hiệu nổi bật được vinh danh, bên cạnh các tổ chức khác, như Nestle, Cocacola, Henieken, Vinamilk và các ngân hàng: BIDV, Vietinbank.
Với danh hiệu Top đầu trong Bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2024, HDBank sẽ tiếp tục hành trình “xanh hóa” và phát triển bền vững, góp phần xây dựng hình ảnh ngân hàng xanh hạnh phúc bền vững.