Sở GTVT TPHCM vừa có tờ tình gửi UBND TPHCM đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) theo cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết 98.
Sở GTVT thành phố đã hoàn thiện bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT để trình HĐND thành phố xem xét, ban hành.
Tiêu chí 1: Tính chất và vai trò quan trọng của tuyến đường. Tuyến đường là trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông).
Tiêu chí 2: Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Tiêu chí 3: Đánh giá sơ bộ tính khả thi về phương án tài chính dự án.
Tiêu chí 4: Khả năng huy động nguồn vốn đầu tư từ nhà đầu tư tham gia vào dự án BOT.
Tiêu chí 5: Khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách tham gia dự án.
Sau khi rà soát 107 tuyến đường, Sở GTVT TPHCM đề xuất 5 dự án đường bộ BOT mang tính liên kết vùng để đầu tư theo nghị quyết 98.
Đầu tiên là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu). Thứ hai là dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc - đến ranh tỉnh Long An).
Dự án thứ ba là cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TPHCM). Dự án thứ 4 là mở rộng trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh - nút giao Cầu Bà Chiêm). Cuối cùng là dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tính chung tổng mức đầu tư của 5 dự án BOT là hơn 37.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào các tiêu chí, 5 dự án đề xuất trên được đánh giá đều đạt, hầu hết là các dự án cửa ngõ cấp thiết cần được khơi thông trong giai đoạn 2023-2030.
Sở GTVT thành phố kiến nghị UBND thành phố xem xét thông qua và trình HĐND thành phố ban hành danh mục dự án nêu trên và bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công năm 2024 để thực hiện chuẩn bị đầu tư.