Các trường kiến nghị cần thống nhất thời gian sinh viên đi học trở lại

(VOH) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho rằng, phải hết sức cân nhắc với quyết định cho học sinh đi học trở lại hay không sau kỳ nghỉ dài ngày phòng COVID-19.  

Sáng 06/03, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm chủ trì với Hội đồng Hiệu trưởng các trường Đại học về công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban giám hiệu các trường cho rằng hiện việc đi học của sinh viên cần phải có sự thống nhất đồng bộ, không thể để tình trạng tự phát, trường đi học sớm và trường đi học muộn như vậy sẽ gây tâm lý bất an trong cộng đồng.

Các trường kiến nghị cần thống nhất thời gian nhập học

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Thanh Liêm phát biểu chỉ đạo. 

Dẫn giải việc gặp khó, Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Hải - Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Luật Thành phố chia sẻ, hiện các trường đại học luôn hồi hộp không  biết xử lý sao cho đúng. Trường Đại học Luật Thành phố cho sinh viên đi học từ 2/3, áp dụng cho sinh viên năm cuối, mặc dù rà soát rất kỹ nhưng vẫn rất lo vì không thể kiểm soát được hết nhất là người học đến từ các địa phương khác, hoặc phát sinh bệnh tại chỗ. 

"Với tinh thần chia sẻ sự lo lắng của lãnh đạo Thành phố chúng tôi hết sức cân nhắc việc đi học lại. Hiện chúng tôi thông báo, ngày 2/3 đã đi học rồi áp dụng cho sinh viên năm cuối. Với số lượng đi học lớn, chúng tôi đã thực hiện quy trình giám sát rất kỹ kết hợp vệ sinh phun xịt nhưng rất lo, vì chỉ một người mắc thôi là vỡ trận. Mấy ngày qua tình hình ổn, kiểm tra, giám sát, phun xịt hàng ngày ... nhưng tỷ lệ đi học cũng không cao" - Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Hoàng Hải nói. 

Đồng tình ý kiến này, Phó giáo sư Tiến sĩ Cao Hào Thi, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường tự chủ về quyết định ngày nhập học nhưng hiện nay nắm thông tin về tình hình dịch bệnh không ai rõ hơn ngành y tế. Do đó cần phải có sự thống nhất về ngày nhập học của các trường cao đẳng, đại học để tạo sự an tâm cho cộng đồng bởi chỉ cần một trường cho kéo dài thời gian nghỉ học dài hơn thì các trường khác cũng không yên tâm.

Đồng tình với 2 ý kiến vừa nêu, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật Thành phố cho biết, các trường đại học tại Hà Nội đã đi học cả, trong khi ngoài đó lạnh hơn. Cái đáng lo nhất hiện nay vẫn là nguồn dịch từ bên ngoài. Do vậy, theo đề xuất của Phó Giáo sư. Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, tốt nhất nên cho sinh viên nghỉ thêm 1 tuần nữa, đến ngày 16/3 tất cả sinh viên đi học trở lại.

Ông Dũng lý giải, theo kế hoạch Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 25/7 sẽ thi trung học phổ thông Quốc gia, nếu kéo dài thời gian nghỉ học đến hết tháng 3 thì thời gian học của sinh viên sẽ kéo dài đến gian thi trung học phổ thông Quốc gia trong khi đó ngày 20/7 thầy cô phải đi tỉnh coi thi. Bên cạnh đó, hiện nay cho sinh viên nghỉ học sẽ ảnh hưởng đến các trường tự chủ tài chính. Bởi các trường sẽ không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên.

"Tôi thống nhất ý kiến trường này nghỉ mà trường kia không nghỉ thì sinh viên cũng phản ứng. Ngoài Hà Nội dù thời tiết lạnh nhưng các trường lớn vẫn đi học như Đại học quốc gia, Đại học Bách Khoa, trong đây thì điều kiện thời tiết tốt hơn, cái lo của Thành phố là yếu tố ngoại nhập" - Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng nói. 

Qua báo cáo của ngành y tế cho thấy tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng khó lường do đó theo ý kiến Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc Gia Thành phố, không được chủ quan. Về việc cho sinh viên đi học hay nghỉ học phải suy nghĩ đến sự sinh tồn của người học. Bởi môi trường sống và học tập của sinh viên tập trung đông đúc có sự giao lưu rất gần nên khả năng lây dịch bệnh rất cao. Cụ thể hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Thành phố có 1.000 sinh viên Hàn Quốc. Hiện số sinh viên này đang ở Hàn Quốc chưa qua Việt Nam, nếu nhập học vào ngày 15/3 thì những sinh viên từ vùng dịch này sẽ giải quyết như thế nào? Qua lấy ý kiến của các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố, hầu hết các trường đều đồng thuận cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 3. Tuy nhiên, đối với sinh viên khối y khoa thống nhất cho sinh viên đi học sớm vào giữa tháng 3.

Sau khi nghe các ý kiến chia sẻ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng, phải hết sức cân nhắc với quyết định cho học sinh đi học trở lại hay không sau kỳ nghỉ dài ngày phòng COVID-19. Thành phố rất mong muốn cho học sinh đi học trở lại nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu thì thành phố không thể lơ là được.

"Nói chung nóng lòng nhưng không quyết định vội vã, cả thành phố 10 triệu dân.  Việc học thì ai cũng muốn, lãnh đạo Thành phố càng muốn cho học sinh đi học sớm nhưng lúc tình hình dịch bệnh như thế này phải hết sức cân nhắc", ông Lê Thanh Liêm nói. 

Vừa qua, với trường hợp người Nhật dương tính với Covid – 19, có quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, việc tìm những người trong chuyến bay và hành trình di chuyển của du khách người Nhật vừa qua vô cùng phức tạp. Do vậy, ở góc độ ngành y tế, Giáo sư Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố nhấn mạnh, tại môi trường các trường đại học không được chủ quan, nguy hiểm nhất là ký túc xá, chỉ cần một người bị Covid – 19 thì khả năng lây lan rất lớn. Vấn đề lịch học lại của các trường đại học như thế nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ý kiến chính thức để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tại các địa phương quyết định.

TPHCM: Dùng ‘mắt thần’ xử lý vi phạm giao thông trên 14 tuyến đường - Theo Sở GTVT TPHCM, từ ngày 10/03 triển khai ghi hình để xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống camera giám sát giao thông cố định trên 14 tuyến đường ở khu vực trung tâm TPHCM.
Đường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ có thêm nhiều hạng mục mới - UBND TPHCM yêu cầu Sở QH-KT đề xuất phương án thiết kế giai đoạn 2 đường đi bộ Nguyễn Huệ để triển khai các hạng mục chiếu sáng, thùng rác, ghế đá chặn xe vào khu vực quảng trường.
Bình luận