Cần điều kiện gì để F1 tại TPHCM được đi học, đi làm?

(VOH) - Ngày 24/3, UBND TPHCM ban hành văn bản số 882/UBND-VX hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, học tập.

Để hạn chế việc gián đoạn đối với các hoạt động của đời sống như: Sản xuất kinh doanh, việc đi học của học sinh, các hoạt động quản lý điều hành, chăm sóc y tế…do phải cách ly các trường hợp F1 theo quy định trước đây. Trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, nhằm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn, xét đề nghị của Sở Y tế, UBND TPHCM hướng dẫn các biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1).

TP.HCM chính thức cho F1 đã tiêm vaccine được đi học, đi làm 1
Văn bản 882 của UBND TP.HCM 

Trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã từng mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng được phép tiếp tục đi làm, đi học và phải chấp hành nghiêm các quy định sau:

Tự theo dõi sức khoẻ ít nhất 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc gần lần cuối với F0, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 và khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên, do bản thân hoặc người chăm sóc tự thực hiện hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện). Trong thời gian này, F1 di chuyển từ nơi lưu trú đến nơi học tập, làm việc bằng phương tiện cá nhân.

Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như thường xuyên đeo khẩu trang; sát khuẩn tay; không dùng chung vật dụng cá nhân trong sinh hoạt, làm việc, học tập. 

Tránh tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19) trong gia đình, tại các nơi làm việc, học tập...; khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID.

Việc đưa ra hướng dẫn mới này theo đề xuất trước đó của Sở Y tế TP.HCM dựa trên tình hình thực tế của thành phố. Hiện nay dịch bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh đang được kiểm soát và hầu hết người dân trên 12 tuổi đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, đa số các trường hợp mắc COVID-19 không thuộc nhóm nguy cơ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và khỏi bệnh sau đó.

Bình luận