Cần hành động thực chất hơn nữa để đưa hàng Việt Nam vươn xa

(VOH) - Với sự năng động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân VN, kỳ vọng sản phẩm thương hiệu Việt sẽ vươn xa ra thế giới mạnh mẽ hơn.

Nhằm đưa ra các giải pháp huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ, tham gia giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam ra các nước có đông người Việt sinh sống, chiều qua 1/6, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng việt nam ở nước ngoài”.

Cần hành động thực chất hơn nữa để đưa hàng Việt Nam vươn xa 1
Toàn cảnh tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM - Trưởng Ban chỉ đạo cuộc vận động đánh giá trong hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người VN. Ông hoan nghênh Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức buổi Tọa đàm rất thiết thực này, đồng thời đưa ra một số gợi ý đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

"Một là phương pháp và cách thức thông tin, tuyên truyền về chất lượng, tính ưu việt của sản phẩm, hàng hóa Việt; Khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, phù hợp với từng địa bàn để cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài biết và hiểu đã được triển khai như thế nào. Hai là trong việc tổ chức quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước sở tại, các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài đã có phương pháp gì, cách làm gì hoặc sáng kiến gì? Các hội đoàn doanh nhân, doanh nghiệp đã phát huy vai trò làm đầu mối nhập khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam hoặc trung gian đưa hàng hóa Việt Nam vào các hệ thống phân phối hàng hóa ở nước sở tại chưa? Còn những khó khăn gì? Ba là thảo luận về phương hướng, phương pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước, qua đó đặt ra những yêu cầu cụ thể cần sự hỗ trợ từ các sở, ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh để cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức các chương trình hoặc đề xuất một số cách làm hay, hiệu quả để giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam ở nước sở tại cũng như kết nối các doanh nghiệp người Việt Nam và nước ngoài", ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM phát biểu. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt - Mỹ nhận định, hàng Việt có nhiều lợi thế khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Mặc dù đây là thị trường khó tính nhưng nếu doanh nghiệp Việt đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa, bao bì sản phẩm và giá thành thì hiệu quả rất cao. Hơn nữa, nếu có nhà kho tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt không chỉ cạnh tranh được về giá mà còn quảng bá được sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm Việt Nam trên các nền tảng xã hội. Đây là xu hướng của thế giới. "Bao bì hàng hóa, sản phẩm phải nhỏ - gọn – đẹp với tính chất bảo vệ môi trường, thứ 2 bao bì có song ngữ, đặc biệt thông tin sản phẩm có thành phần gì để đảm bảo sức khỏe. Nếu nhìn kỹ là hiện chưa có kho hàng nào tại Hoa Kỳ chuyên trữ hàng của Việt Nam mà chỉ chứa hàng của Thái Lan, Trung Quốc. Đây là thiếu thốn lớn. Họ sẽ ưu tiên cho những sản phẩm nào được bán tại nước sở tại có kho hàng. Hàng Việt Nam hiện chỉ mới được trữ trong kho ở chợ của người Việt, giá cả lệ thuộc vào đơn vị vận chuyển, giao hàng. Còn hàng của các nước có kho chứa thì giá luôn rẻ hơn. Đơn cử nếu so sánh giá nước mắm Việt Nam với Thái Lan, nếu nước mắm Việt Nam đắt hơn mắm Thái thì hàng Thái sẽ được đẩy ra bán, hàng Việt bị kiềm lại", ông Dương cho biết thêm.

Cần hành động thực chất hơn nữa để đưa hàng Việt Nam vươn xa 2
Các đại biểu tham gia tọa đàm trực tuyến.

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều mặt hàng không thua kém gì các nước, song việc đưa sản phẩm ra thị trường thế giới còn hạn chế. Câu hỏi đặt ra, đâu là điểm yếu, đâu là thế mạnh. Doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan cần thảo luận, trao đổi với nhau, rà soát để tháo gỡ những khó khăn, đồng thời có những giải pháp kịp thời, thiết thực và xác định đi bước nào chắc bước đó  để đưa hàng hóa của Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.

"Với sự năng động sáng tạo của đội ngũ doanh nhân VN, chúng ta ngày càng đưa thương hiệu Việt ra thế giới, xác định đi bước nào chắc bước đó. Tôi mong muốn kêu gọi cộng đồng mỗi người là một lợi thế, đừng vì lợi nhuận mà cạnh tranh đè bẹp lẫn nhau. Thay vào đó, chúng ta cùng nhau dung dưỡng các sản phẩm của Việt Nam, ai có lợi thế gì thì phát huy, nếu yếu thì phối hợp lại thành một khối để cạnh tranh quốc tế. Tôi hi vọng với trình độ, năng lực và tấm lòng yêu nước, chúng ta sẽ  từng bước cải thiện sản phẩm, đưa các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn ở các nước trên thế giới, dần dần tạo thói quen để người nước ngoài cũng ưa chuộng sử dụng hàng hóa Việt Nam", bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị.