Thông tin từ Sở LĐTB&XH TPHCM: Đến cuối năm 2018, thành phố còn khoảng 3.800 hộ nghèo và khoảng 22.900 hộ cận nghèo; Cơ bản không còn hộ nghèo có thành viên diện chính sách có công; hoàn thành chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra. Thành phố không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia vào cuối năm 2016; và còn 94 hộ có thu nhập trong chuẩn cận nghèo Quốc gia vào cuối năm 2018.
“TP hỗ trợ đối tượng là thương binh, bệnh binh có vết thương hoặc bệnh tật đặc biệt nặng và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mức 2.000.000đ/người/tháng; Hỗ trợ thêm kinh phí để trang bị phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công với cách mạng, đảm bảo dụng cụ khi được trang cấp sẽ thuận tiện, chất lượng, dễ sử dụng. Ngoài ra, thành phố còn vận động các đơn vị, cơ quan phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng với mức tối thiểu 2.000.000 đồng/tháng/Mẹ; Hỗ trợ thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn 1.000.000 đồng/tháng; Các địa phương cũng đẩy mạnh việc vận động và xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa để có thêm điều kiện hỗ trợ cho người có công”, ông Trần Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP cho biết thêm về công tác chăm lo, hỗ trợ thêm người có công với cách mạng.
Chính sách cho người nghèo
Từ ngày 01/ 08/ 2019, những sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho vay ưu đãi và nguồn vốn cho vay trong Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 – 2020 theo chủ trương chung của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân TPHCM sẽ chính thức có hiệu lực. Đây được xem là một cột mốc quan trọng tiếp theo và tạo ra thêm lực đẩy cần thiết cho công tác giảm nghèo trên địa bàn TP. Ông Trần Ngọc Sơn cho biết một số chính sách mới: “Chính sách vay vốn từ quỹ Xóa đói giảm nghèo đối với hộ mới thoát mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, thì kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm. Hộ có nhu cầu vay vốn được vay với thời gian tối đa là 5 năm, với mức vay tối đa là 100 triệu đồng không phải đảm bảo tiền vay. Đối với hộ mới thoát chuẩn hộ cận nghèo, chính sách cho vay vốn hiện tại là được vay tiếp tục không quá 24 tháng. Như vậy, tăng thời gian vay vốn tối đa lên 5 năm và tăng mức vốn tối đa lên 10 năm, không phải đảm bảo tiền vay cho hộ mới thoát chuẩn cận nghèo”.
Căn cứ kết quả tổng hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2019 – 2020 là gần 59.600 hộ, đặc biệt là hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo qua các năm 2016, 2017, 2018 là rất lớn. Một trong những nguồn lực chính để Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TPHCM tập trung cho vay từ nay đến cuối năm 2019 sẽ từ nguồn vốn ngân sách thành phố bổ sung năm 2019 cho Quỹ giảm nghèo là 232 tỷ đồng, trong đó đã được cấp là 120 tỷ đồng, còn 112 tỷ đồng Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố cùng các Sở - ngành liên quan tham mưu UBND thành phố cấp bổ sung ngay sau khi Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố ban hành và có hiệu lực.
Ông Bùi Văn Sổn – Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP – khẳng định với mức tập trung nguồn vốn, sau khi nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu lên 100 triệu đồng; Cho vay đối với xuất khẩu lao động, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài với giá trị bằng giá trị hợp đồng lao động thì TP sẽ đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện cho vay. Đảm bảo giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn cận nghèo TP được vay vốn, tiếp cận nguồn vốn này dễ dàng thông qua phương thức cho vay hiệu quả của Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Những năm qua, huyện Cần Giờ triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, nhân rộng những cách làm sáng tạo để giúp các hộ dân thuộc diện nghèo, cận nghèo vươn lên. Theo đó, những sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay và nguồn vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sắp tới đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo và nâng cao đời sống. Bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho hay với mức vay tối đa tại một số chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội được nâng lên 100 triệu đồng; Cùng với đó, thời hạn cho vay tối đa cũng được nâng lên 10 năm. Quyết định này đang được bà con hồ hởi đón nhận. Đồng thời mở ra kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhất là những huyện nghèo còn nhiều khó khăn như huyện Cần Giờ.
Chương trình trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” với chủ đề: “TPHCM ban hành chính sách mới hỗ trợ giảm nghèo” sáng 27/7.
Tiếp cận vốn vay như thế nào?
Tham gia chương trình, cử tri đặt nhiều câu hỏi xung quanh nội dung các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm sao để có thể tiếp cận nguồn vốn vay, muốn vay vốn kinh doanh, buôn bán tại nhà hoặc những hộ không phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm thì cần liên hệ với ai để được hướng dẫn các thủ tục vay vốn, v.v… Ông Phạm Hùng Lâm – ngụ tại Củ Chi – hỏi: “Gia đình tôi là hộ cận nghèo, nhưng đã thoát nghèo năm 2018, con tôi học xong cấp 3, muốn được học nghề cơ khí, học tiếng và đi làm tại Nhật Bản, nhưng gia đình tôi thiếu tiền. Vậy, tôi phải hỏi ai và làm thế nào để được học nghề và được vay tiền?”
Về trường hợp này, ông Trần Ngọc Sơn giải đáp: “Về nhu cầu muốn học nghề, học tiếng Nhật để đi làm việc tại Nhật Bản có thời hạn thì ông Hùng Lâm có thể đến Ủy ban nhân dân Phường/xã nơi ông cư ngụ, gặp chuyên trách giảm nghèo để được thông tin và hướng dẫn các chính sách để được hỗ trợ. Hoặc ông Lâm có thể liên hệ với Văn phòng Ban Giảm nghèo bền vững TP, hoặc vào trang web của Sở LĐTB&XH TP – trên trang web của Sở sẽ có cung cấp danh sách các công ty xuất khẩu lao động có đăng ký trên địa bàn TP. Trang web của Sở là www.sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn. Tổng chi phí đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng thì anh sẽ được vay với số tiền tối đa theo giá trị hợp đồng từ quỹ Xóa đói giảm nghèo TP mà không phải đảm bảo tiền vay.
Những sửa đổi, bổ sung trong chính sách vay vốn giảm nghèo căn cứ vào mức độ thiếu hụt cụ thể của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo để xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, góp phần hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo ổn định cuộc sống. Điều này mang lại những tín hiệu đáng mừng cho người dân bởi họ sẽ có thêm nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Và để triển khai thực hiện tốt chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ giảm nghèo, bà Trần Hải Yến – Phó Trưởng ban Ban Văn hóa Xã hội Hội đồng nhân dân TP – lưu ý: các Sở ngành/quận/huyện/phường/xã/thị trấn cần có sự phối hợp tốt trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhanh chóng tiếp cận các chính sách cho vay ưu đãi của TP. Cần tăng cường tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công – mà đặc biệt là cần phải tập trung nhiều giải pháp phấn đấu để không còn hộ nghèo có thành viên thuộc diện chính sách có công theo chuẩn nghèo mới.