Chống ngập tại TPHCM: Phải có giải pháp phù hợp cho từng khu vực

(VOH) - Hội nghị sơ kết tình hình áp dụng công nghệ bơm chống ngập cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TPHCM đã diễn ra sáng 19/4.

“Qua 13 lần thử nghiệm, kết quả rất tốt. Tôi thiết nghĩ với đặc thù của TPHCM, cốt nền rất thấp, các hệ thống cống cũng đã xuống cấp, đặc biệt là độ dốc để thoát nước rất nhỏ. Nếu áp dụng công nghệ này vào sẽ giải quyết được tình trạng ngập”, ông Nguyễn Tăng Cường – Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, đánh giá.

Hiện Trung tâm Chống ngập TP đã ký hợp đồng giám sát, tư vấn cho thành phố các đơn giá, chi phí thanh toán thuê máy bơm chống ngập thông minh. Ngoài ra, các cơ quan ban ngành cũng có đánh giá liên tục về tính khả thi của dự án máy bơm công nghệ thông minh này. Tuy nhiên, để tránh tình trạng xả rác xuống cống gây ách tắc dòng chảy,  Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, yêu cầu Quận Bình Thạnh và 24 quận huyện, các ban ngành phối hợp xử lý tốt vấn đề xử lý rác, tuyên truyền, không để người dân tùy tiện vứt rác thải, đặc biệt là rác thải rắn xuống đường cống. Hiện còn có tình trạng người dân vứt gỗ và cửa kính xuống cống, chưa kể tình trạng lấn chiếm ven kênh rạch gây tắc nguồn chảy mà hệ lụy gánh chịu đều là người dân.

Chống ngập TPHCM

Ký kết hợp đồng giữa Trung tâm điều hành chương trình chống ngập thành phố và công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung về thuê máy bơm.

Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng đề nghị các cơ quan chức năng theo dõi, hỗ trợ và xử lý nghiêm các vi phạm để khâu vận hành của máy bơm chống ngập đạt thuận lợi nhất. Hiện tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã có chủ trương xã hội hóa nâng cấp, đầu tư hạ tầng ngầm sẽ triển khai trong tương lai.

Trong thời gian tới, nếu tuyến đường này được nâng cấp lên, hệ thống ngầm cũng đồng bộ được xử lý, cùng với việc triển khai dự án này sẽ kéo giảm đáng kể tình trạng ngập. Nếu tình trạng ngập tại khu vực này được giải quyết hoàn toàn, thì TP sẽ có phương án di chuyển máy bơm thông minh này đến một khu vực khác trong TP.

Ngoài máy bơm thông minh, hiện có rất nhiều giải pháp chống ngập được TP áp dụng, trong đó, giải pháp làm đê bao cũng được tính đến, tuy kinh phí rất lớn nhưng cũng phải làm để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, nạo vét kênh rạch, đấu thầu chọn nhà đầu tư, xử lý nhà ven kênh rạch, tạo dòng chảy thoát nước.

Theo ông Tuyến, đây là giải pháp rất lớn, ở Nhật Bản thực hiện rất nhiều, làm những dòng kênh lớn, vừa giải quyết giao thông, vấn đề thoát nước mà cải tạo được dòng kênh. Bên cạnh đó, còn phải cải tạo đường cống thoát nước đã lạc hậu và xuống cấp nặng, thực hiện dự án chống ngập cống ngăn triều của công ty Trung Nam đi qua 7, 8 quận để chống triều cường, biến đổi khí hậu

"Một số giải pháp gần đây nhất TP đang làm, đó là hồ điều tiết ngầm, công nghệ Nhật Bản, tức là ở trên vẫn là công viên, có thể chịu động lực khoảng 20 tấn, ở dưới là công nghệ Nano, công nghệ của Nhật, sử dụng bằng hình thức hệ thống đỡ bên dưới, có thể giữ nước, sử dụng nước mưa chống ngập để tưới cây. TP đang làm ở quận 12 và Thủ Đức, phù hợp với những nơi là công viên. Giải pháp này TP khuyến khích. Tuy nhiên, mỗi khu vực ngập của TP phải có giải pháp phù hợp”, ông Tuyến cho biết.

Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là đưa giải pháp công nghệ vào giải quyết, hạn chế tối đa việc đào hở, ưu tiên đào ngầm, chọn giải pháp công nghệ nào hiệu quả thì áp dụng.

Trước đó, ngày 12/7/2017, công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung khởi công thi công lắp đặt 2 hệ thống cống bằng thép mạ kẽm và hầm đặt bơm.

Ngày 19/9/2017, một trận mưa lớn kết hợp triều cường tại khu vực này, mưa liên tục 165 phút, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh lúc này ngập sâu 55 cm, chiều dài bị ngập là 200 m. Sau khi hết mưa, đơn vị này cho vận hành máy bơm, kết quả sau 25 phút, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập.

Tiếp đó, ngày 21/9/2017, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh lại ngập sâu 55 cm, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao đạt đỉnh gần báo động cấp độ 3, công ty tiến hành vận hành máy bơm, sau 15 phút mặt đường hết ngập.

 

Bình luận