Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mong muốn doanh nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ

(VOH) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13, chiều 4/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Thường trực Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM có buổi tiếp xúc với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc đại diện các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

TPHCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với số lượng doanh nghiệp hoạt động rất đông. Năm 2016 bắt đầu cho cuộc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nhưng hầu như các doanh nghiệp vẫn còn thiếu sự chuẩn bị, việc chuyển mình theo thời cuộc còn chậm.

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP kiến nghị: "Doanh nghiệp cần hỗ trợ để mạnh lên cả số lượng và chất lượng. Vấn đề vốn giống như máu trong cơ thể con người, cần được quan tâm nhiều và sau vốn là thuế, làm sao phải ổn định. Vấn đề quyết định chính là cơ chế chính sách".

Ngành dệt may của Việt Nam trong năm qua phát triển ổn định. Tuy nhiên, cuối năm 2015 đầu tư nước ngoài nhiều hơn, từ 2 tỷ USD lên 4 tỷ USD, tạo sức ép lớn đối với ngành dệt may.

Hơn thế, theo cam kết trong TPP, ngành dệt may mới đáp ứng khoảng 20% quy định về xuất xứ hàng hóa. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất cần chủ trương phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM phân tích vấn đề khác: "Dệt may và da giày có lao động rất đông, nên chính sách tăng lương tối thiểu và thay đổi quy định đóng bảo hiểm xã hội là một áp lực rất lớn với ngành.

Hiện nay có tình trạng, nhất là doanh nghiệp FDI, đã sửa cách tính lương và chính điều đó xuất hiện đình công."

Doanh nghiệp cũng phản ánh thực trạng hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu còn diễn biến rất phức tạp, cần biện pháp mạnh tay hơn để khắc phục; vấn đề lãi vay còn cao; quá trình thông quan còn chậm so với khu vực; các chính sách miễn - giảm thuế hoặc xóa nợ thuế cần được thực hiện minh bạch và rõ ràng hơn.

Riêng gói tín dụng 30 ngàn tỷ,  Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng kiến nghị nên giải ngân hết tiền để hỗ trợ người dân chứ không nên giới hạn thời gian hỗ trợ.

Ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp, Chủ tịch nước đề nghị các doanh nghiệp phải tự vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, xác định cho mình đâu là thế mạnh trong hội nhập với điều kiện mới.

"Trước hết, doanh nghiệp phải tự khẳng định cuộc đọ sức này mình phải giành thắng lợi. Phải ôn lại, kiểm kê lại hành trang 30 năm qua mình đã làm để giành thắng lợi trong cạnh tranh với tiêu chí mới và cộng đồng phải thực sự đoàn kết.

Thứ hai là vai trò của hiệp hội, phải nắm sát sườn thành viên, những gì khó khăn thực sự, những gì mà chính sách của Đảng và Nhà nước không phù hợp là phải có ý kiến đến nơi đến chốn.

Với vai trò là đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước nên lãnh đạo thành phố phải thường xuyên gặp gỡ, nhất là trong bối cảnh những năm đầu của thời kỳ hội nhập với tiêu chí cao hiện nay", Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh.