Với mục tiêu hết năm 2022 sẽ cơ bản hoàn thành công tác chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số, bức tranh chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã và đang lấy người dân sử dụng điện làm điểm nhấn, lấy khách hàng là trung tâm để phát triển.
Thông điệp mà ngành Điện TPHCM muốn gửi đến khách hàng là 3M: “Mọi lúc, Mọi nơi, Mọi việc”. Ngoài ra, ngành Điện thành phố cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, phát triển tự động hóa lưới điện, đáp ứng yêu cầu vận hành linh hoạt và hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, chất lượng cao về dịch vụ khách hàng.
VOH phỏng vấn ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM:
*VOH: Ông cho biết một số kết quả đạt được trong công tác tự động hóa mà ngành Điện thành phố Hồ Chí Minh đạt được trong những năm qua?
Ông Luân Quốc Hưng: Tự động hoá là một cấu phần quan trọng trong việc triển khai đề án xây dựng Lưới điện thông minh mà EVNHCMC bắt đầu thiết lập từ năm 2011. Qua giai đoạn nghiên cứu, nắm bắt các công nghệ tự động hoá của ngành điện thế giới, giai đoạn 2014-2015, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã bắt đầu triển khai tự động hóa lưới điện khởi đầu bằng việc triển khai thí điểm trạm 110kV không người trực đầu tiên của cả nước (trạm 110kV Tân Sơn Nhất) cũng như các dự án tự động hoá lưới điện trung thế ngầm (tại khu công nghệ cao Q9 TPHCM) và nổi (khu dân cư Q7 TPHCM).
Sau thành công của các dự án thí điểm nêu trên, đến nay EVNHCMC đã kết nối, thử nghiệm và đưa vào vận hành điều khiển từ xa 56/56 (100%) trạm 110kV. Trong đó có 48/56 trạm vận hành hoàn toàn không người trực (giúp tiết giảm khoảng hơn 400 công nhân trước đây làm nhiệm vụ trực vận hành tại trạm).
Đối với lưới điện trung áp 22kV, EVNHCMC đang vận hành điều khiển xa 64 trạm ngắt và 1.062 tuyến dây. Các tuyến dây đều được phân đoạn và giao liên với nhau bằng thiết bị đóng cắt có chức năng SCADA (chiếm 37,3%) để có thể thao tác điều khiển xa khi cần thiết.
Điều đặc biệt là 60% các tuyến dây trung áp 22kV nói trên đang được vận hành tự động hóa DAS/DMS hoàn toàn và có khả năng tự động cô lập khu vực sự cố và cung cấp điện lại cho các khu vực khác trong khoảng thời gian 1-2 phút.
Có thể nói, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã cơ bản hoàn thành công tác tự động hóa lưới điện, góp phần giúp ngành điện Việt Nam đạt được 8/8 điểm quản lý kỹ thuật do tổ chức Doing Business chấm điểm tiếp cận điện năng và 4/4 điểm cho lĩnh vực giám sát điều khiển do Tập đoàn điện lực Singapore chấm điểm Lưới điện thông minh.
Điều mà lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM tâm đắc nhất là đã xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ hoàn toàn công nghệ tự động hoá lưới điện phân phối từ khâu thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, lắp đặt, cấu hình, lập trình, thử nghiệm, đưa các hệ thống vào vận hành và sau đó là quản lý sửa chữa bảo dưỡng, cập nhật, nâng cấp.
Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể: là việc không ngừng nâng cao độ tin cậy lưới điện. Trong thời gian 10 năm, từ chỉ số SAIFI (số lần mất điện bình quân/năm) là 25,04 lần và SAIDI (thời gian mất điện bình quân/năm) là 3.433 phút năm 2011, đến năm 2021, EVNHCMC đã đạt SAIFI 0,54 lần và SAIDI 41 phút (bình quân mỗi năm giảm SAIFI 32,71% và SAIDI 35,57%). Chỉ số này đã tương đương với các Công ty Điện lực tiên tiến trong khu vực và trên Thế giới.
Ngoài ra, giúp tiết kiệm chi phí do không cần phải thuê đơn vị tư vấn, không tốn nhân lực thuê ngoài khi cần lập trình, nâng cấp, mở rộng. Đây cũng là tiền đề để Tổng công ty tiếp tục ươm mầm, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và phát triển lưới điện thông minh trong giai đoạn hiện nay.
*VOH: Để đạt kết quả này, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu cũng như tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã vượt qua những khó khăn như thế nào?
Ông Luân Quốc Hưng: Chuyển đổi số đang là xu hướng của cả thế giới nói chung và ngành điện cũng đã bắt tay thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiệu quả của việc chuyển đổi số được thể hiện rõ nhất trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 căng thẳng tại TPHCM.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, ngoài việc bố trí ca/kíp trực ở những địa điểm phù hợp đối với bộ phận làm việc trực tiếp với lưới điện, bố trí đầy đủ các trang thiết bị để làm việc từ xa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh đối với bộ phận gián tiếp thì rõ ràng việc ứng dụng tự động hóa, vận hành và điều khiển từ xa lưới điện trong giai đoạn này mang lại hiệu quả tích cực nhất.
Từ phòng trực của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện, các kỹ sư có thể theo dõi và điều khiển tất cả các thiết bị trên lưới điện của toàn thành phố, duy trì cấp điện với độ tin cậy cao cho thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là giữ điện liên tục đối với 113 bệnh viện, 61 cơ sở y tế, 180 cơ sở cách ly và 31 bệnh dã chiến.
VOH: Thưa ông, được biết, EVNHCMC đã có 1 sản phẩm tự động hóa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chứng nhận là sản phẩm Make by EVN là Chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến OMS trên địa bàn TP. HCM. Ông giới thiệu thêm về sản phẩm này?
Ông Luân Quốc Hưng: Tổng công ty Điện lực TPHCM rất tự hào là có một sản phẩm đó là chương trình quản lý mất điện đã được tập đoàn điện lực Việt Nam xét duyệt và công nhận là sản phẩm “Make by EVN”.
Đối với Một Tổng công ty phân phối thì công tác điện công tác quản lý mất điện là vô cùng quan trọng. Trước năm 2010, đối với công tác quản lý mất điện, chúng tôi thực hiện trên file Excel rất thủ công.
Sau năm 2010, chúng tôi có đưa vào một cái chương trình mới trên sơ đồ hình cây, cơ bản cũng đáp ứng được nhu cầu nhưng mà với nhu cầu ngày càng nâng cao và chuyển đổi số thì từ năm 2016, bằng nguồn lực nội bộ của Tổng công ty, chúng tôi đã đã nghiên cứu thành công xây dựng chương trình quản lý mất điện trên sơ đồ đơn tuyến, chương trình này được viết trên mã nguồn mở nên hết sức linh hoạt trong vấn đề lập trình cũng kết nối các hệ thống khác.
Qua ứng dụng chương trình này, ở việc cung cấp điện, phát hiện mất điện, sửa chữa điện, quản lý, cung cấp điện trên toàn địa bàn thành phố sẽ được thực hiện trực quan sinh động trên sơ đồ đơn tuyến. Ngoài ra, kết hợp với những hệ thống tự động hóa thì những thiết bị được giám sát điều khiển, những công tơ đo đếm thông minh đều truyền dữ liệu về chương trình này và qua đó chúng tôi có thể giám sát được tình hình cung cấp điện trên toàn địa bàn thành phố 24/7.
Ngoài ra chương trình này đã được Tập đoàn điện lực Việt Nam là chấp thuận và sử dụng đại trà đối với tất cả các công ty Điện trên cả nước, qua đó giúp cho việc thống nhất và đồng bộ về công tác quản lý và công tác báo cáo.
VOH: Mục tiêu và giải pháp trong công tác Tự động hóa của ngành điện thành phố trong năm 2022 và các năm tiếp theo là gì?
Ông Luân Quốc Hưng: Ngành Điện thành phố đã xây dựng Kế hoạch phát triển Lưới điện thông minh giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu trong năm 2022 cải thiện điểm số SGI tại một số tiêu chí để nâng cao thứ hạng đánh giá chỉ số lưới điện thông minh, đến năm 2023 xây dựng Lưới điện thông minh Tổng công ty cơ bản tiếp cận với trình độ phát triển lưới điện thông minh của thế giới, đến năm 2025 phấn đấu đạt Top 50 của bảng đánh giá SGI của SP Group; các Công ty Điện lực của Tổng công ty đạt điểm đánh giá cao trong các Công ty Điện lực thuộc các Tổng công ty Điện lực và toàn Tập đoàn khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá chấm điểm hàng năm theo bộ chỉ số SGI EVN (giai đoạn 2021-2022, EVN đánh giá thí điểm 15 Công ty điện lực của 05 Tổng công ty phân phối điện).
Cụ thể theo kế hoạch đề ra trong năm 2022, Tổng công ty sẽ hoàn tất Trung tâm điều khiển dự phòng; duy trì 100% lưới điện vận hành miniSCADA; 100% lưới điện vận hành DAS; 100% lắp đặt công tơ đo xa; thí điểm AMI và Trạm biến áp số 110kV, đưa vào vận hành hệ thống Microgrid đầu tiên trên địa bàn TP HCM. Giai đoạn đến năm 2025 tập trung triển khai đảm bảo cấp điện cho hạ tầng trạm sạc xe điện và các dự án đốt rác phát điện; Xây dựng hệ thống Quản lý nguồn phân tán DERMS, triển khai thêm dự án MicroGrid; Phát triển các ứng dụng phân tích dữ liệu dựa trên nền tảng công nghệ Bigdata và AI; Phát triển các dịch vụ phục vụ khách hàng theo hướng tăng cường trải nghiệm và trao quyền để gia tăng sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện./.
*VOH: Cảm ơn ông!