Chuyên gia đề xuất: Không xét nghiệm diện rộng, tập trung vào vắc xin và thuốc điều trị Covid-19

(VOH) - Sáng 17/9, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên có buổi gặp gỡ các chuyên gia, lắng nghe góp ý để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Với đặc thù Thành phố dân số đông, mật độ dân số cao, ca nhiễm còn nhiều, thời gian thực hiện giãn cách lâu nên đời sống người dân TPHCM còn nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, TPHCM đã có những giải pháp bình tĩnh, bớt lúng túng trong cách phòng chống dịch cũng như công tác an sinh chăm lo cho người dân hiện nay cũng đang thực hiện có hiệu quả, kịp thời.

Trong quá trình phòng chống dịch, Thành phố đã có nhiều điều chỉnh như người dân được tự xét nghiệm theo sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế, F0 không triệu chứng được cách ly tại nhà… Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì người dân cần được tiếp cận dịch vụ y tế dễ nhất - nhanh nhất - sớm nhất và đẩy nhanh công tác tiêm ngừa vắc xin.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ các chuyên gia.

Theo GS. TS. Trần Diệp Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược TPHCM thì cần có cách tiếp cận vắc xin và can thiệp sớm với các F0 để tránh tử vong. Ông Trần Diệp Tuấn nêu ý kiến: “Chúng ta thấy rằng xét nghiệm không cần phải làm diện rộng. Nguồn lực chúng ta tập trung vào vắc xin, cụ thể là tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ cao: 65 tuổi, 50 tuổi và sau đó là người trên 18 tuổi.

Đối với F0 thì nên can thiệp cộng đồng. Chúng ta phải dự trù là tăng vì vậy phải tăng cường hệ thống chăm sóc cộng đồng”.

Đồng tình với ý kiến là sử dụng vắc xin làm vũ khí trong phòng chống dịch, cùng thực hiện 5K - Tiến sĩ bác sĩ Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM cho rằng: “Thuốc điều trị rất cần trong thời gian này để nhanh chóng kiểm soát được dịch. Bên cạnh thuốc tây thì các phương thuốc y học dân tộc cũng có thể được sử dụng để nâng cao thể trạng trong phòng chống dịch. Song song đó, việc xét nghiệm phải được sử dụng đúng mục đích, tập trung và cần đầu tư nguồn lực tại địa phương để chăm sóc, quản lý F0".

Tiến sĩ bác sĩ Lê Trường Giang nói thêm về vấn đề cấp phát và sử dụng thẻ xanh: “Việc cấp thẻ xanh là việc ổn định và lâu dài. Người cầm thẻ này xài trong thời gian nhất định. Còn điều kiện để sử dụng thẻ thì thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe, tình trạng bệnh tật của người có thẻ và nơi mà người đó tới hoạt động. Thẻ xanh đi vào vùng phát dịch thì phải chịu thêm những quy định mà vùng phát dịch quản lý”.

Theo PGS. TS. Vũ Minh Phúc – Chủ nhiệm bộ môn Nhi Đại học Y Dược TPHCM, về điều kiện để mở cửa phát triển kinh tế thì cơ sở y tế phải chuẩn bị sẵn sàng cùng với việc chuẩn bị khả năng truy vết và xét nghiệm đồng thời cần có nghiên cứu khoa học vấn đề có cần tiêm nhắc với những người suy giảm miễn dịch, đội ngũ nhân viên y tế và người dưới 18 tuổi.

Bác sĩ Vũ Minh Phúc cũng mong muốn Thành phố cần củng cố hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở: “Hiện nay số lượng bệnh viện dã chiến rất nhiều nhưng số giường, oxy, máy thở thì ít. Trong chiến lược mở cửa, cần xét lại các bệnh viện dã chiến, mình cần tính toán lại cho việc mở cửa là bệnh viện dã chiến cần thu gọn lại, chuẩn bị cho đội quân tinh nhuệ.

Còn nếu không thì bệnh viện đa khoa phải mở rộng ICU hết cỡ, tăng về số giường ICU và tăng cơ sở vật chất cũng như máy móc trang thiết bị lên gấp đôi. Khi chúng ta mở cửa sẽ thấy số ca F0 tăng chứ không giảm nhưng nếu toàn dân chích ngừa hết thì chúng ta không lo”.

Về vấn đề mở cửa kinh tế, theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành phố nên mở cửa và cần quan tâm đến việc tiêm vắc xin đúng hạn cho các mũi đến thời gian tiêm.

PGS TS Trần Hoàng Ngân đề xuất thêm: “Tôi đồng ý với đồng chí Bí thư là chúng ta có 2 tuần để thí điểm, chuẩn bị mở cửa an toàn. Lòng dân đang mong chờ và sự phấn khởi đó đem lại cho chúng ta sức mạnh. Đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ Sở Y tế để nhập thuốc, đảm bảo đủ thuốc trị. Chúng ta phải đầu tư nhiều hơn để nâng cao năng lực y tế”.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy TPHCM cảm ơn các ý kiến rất xác đáng, thực tế của các chuyên gia đóng góp cho Thành phố về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau dịch.

Bí thư Thành ủy TPHCM đồng tình việc từng bước mở cửa kinh tế đồng thời phải quản lý rủi ro và tuyệt đối không chủ quan: “Chúng ta củng cố y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây. Trong chiến lược về mặt y tế phải có quy định rõ ràng khi phát hiện F0 trong cộng đồng thì cần tính lại trong tình hình mới. Chiến lược thứ hai là chính sách cho các loại hình y tế để hoạt động, chính sách cho các nguồn lực y tế trong chiến lược y tế để thành lập mạng lưới y tế cho dân”.