Công tác 'Đền ơn đáp nghĩa' đi vào chiều sâu

(VOH) - Công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền TPHCM quan tâm, thể hiện trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công với cách mạng.

Chăm lo, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rất nhiều người con của đất nước đã hy sinh anh dũng để đem lại độc lập cho dân tộc. Vì vậy, để giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nghĩa tình, những năm qua, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền TPHCM quan tâm, thể hiện trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Thành phố đối với những người có công với cách mạng.

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), trong bài cuối của loạt bài: “TPHCM chung tay đền ơn đáp nghĩa”, VOH phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TPHCM Huỳnh Thanh Khiết xung quanh việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trên địa bàn Thành phố  và cả nước.

*VOH: Thưa ông với định hướng là đền ơn đáp nghĩa không chỉ ở TPHCM mà mang tinh thần vì cả nước cùng cả nước thì TPHCM đã thực hiện điều này như thế nào?

Ông Huỳnh Thanh Khiết: Hiện nay trên địa bàn TPHCM chúng tôi quản lý cũng hơn 278.000 hồ sơ người có công. Chúng tôi luôn nhận thức và thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Kịp thời tham mưu rồi chăm lo chính sách đối với người có công đẻm bảo cho họ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. Thực hiện có hiệu quả số 14 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trên địa bàn. 

Hàng năm vào ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Tết Nguyên đán, thành phố luôn dành hàng trăm tỷ đồng thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công. Bên cạnh đó, Công tác đền ơn đáp nghĩa cũng mang tinh thần vì cả nước cùng cả nước nhằm tri ân các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ. Hàng năm Thành phố tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà cho Thương bệnh binh có vết thương nặng và đặc biệt nặng đang điều dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng ở các tỉnh như: Hà Nam, Bắc Ninh; Bắc Giang; Phú Thọ, Bà Rịa Vũng Tàu.

Đặc biệt năm nay, Thành phố cũng dành hàng trăm triệu đồng để tổ chức các hoạt động đi viếng nghĩa trang Hàng Dương; tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt để tri ân và thăm các hộ gia đình chính sách tại huyện Côn Đảo. Ngoài ra thành phố còn thể hiện trong công tác đền ơn đáp nghĩa bằng việc làm thiết thực như hỗ trợ xây, sửa nhà tình nghĩa cho các tỉnh bạn trong toàn quốc.

đền ơn đáp nghĩa

Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM đêm 26/7. Ảnh minh họa: Bá Nam.

*VOH: Trong tinh thần của ngày 27/7 năm nay là tổ chức các lễ kỷ niệm làm sao cho thiết thực và ý nghĩa. Như vậy với TPHCM thì điều này được thể hiện như thế nào?

Ông Huỳnh Thanh Khiết: Kỷ niệm ngày 27/7 năm nay, ngoài các hoạt động tuyên truyền trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình những hình ảnh về công tác Thương binh - Liệt sĩ- Người có công mà Đảng bộ, nhân dân thành phố đã tổ chức thực hiện trong những năm vừa qua; Biểu dương những địa phương và các tập thể tiêu biểu, phổ biến những kinh nghiệm tốt trong phong trào chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha mẹ liệt sĩ, thương bệnh binh nặng, đặc biệt nặng, con liệt sĩ tàn tật, cô đơn khó khăn; Biểu dương thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên tổ chức sản xuất ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng, gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách, pháp luật tại địa phương; Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các hoạt động tạo kinh phí để chăm sóc các gia đình chính sách tại địa phương; Bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương dành cho hoạt động tặng quà nhân dịp 27/7, Thành phố dành nguồn ngân sách trên 77 tỷ đồng để chăm lo cho hoạt động kỷ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ; tổ chức 24 đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm hỏi, tặng quà cho người có công và thân nhân.

*VOH: Qua những hoạt động ông vừa nói, vậy đâu là điểm nổi bật mang nét riêng của công tác Đền ơn đáp nghĩa của TPHCM? Những việc làm này đã tác động như thế nào tới cuộc sống của các gia đình chính sách trên địa bàn?

Ông Huỳnh Thanh Khiết: Nét nổi bật riêng của thành phố không những chăm lo đầy đủ cho người có công và thân nhân trên địa bàn thành phố mà còn mang tinh thần vì cả nước cùng cả nước đối với công tác đền ơn đáp nghĩa: đặc biệt trong dịp này tổ chức các đoàn thăm hỏi tặng quà cho người có công tại các tỉnh bạn. Ngoài ra, với những việc làm thiết thực nêu trên cũng được nhân dân và các gia đình chính sách trên địa bàn TP đồng tình, ủng hộ.

*VOH: Việc vận động toàn xã hội chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ và giải quyết việc làm cho con, em người có công những năm qua được Thành phố  thực hiện như thế nào?

Ông Huỳnh Thanh Khiết: Công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng đi vào chiều sâu, hiện tại các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân ở khu dân cư. Các Mẹ Việt Nam anh hùng đều được chăm sóc phụng dưỡng chu đáo. Ngoài việc thực hiện các chế độ ưu đãi theo quy định như: trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng, chế độ phục vụ cho Bà mẹ, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, chế độ điều dưỡng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng mỗi năm một lần, thời gian qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu đề xuất được Ủy ban nhân dân Thành phố chấp thuận, kể từ năm 2014 Thành phố chi từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho Mẹ Việt nam Anh hùng, cụ thể: - Hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, thành phố còn vận động các đơn vị, cơ quan phụng dưỡng Mẹ VNAH với mức trung bình 2.000.000 đồng/tháng/Mẹ;

*VOH: Nhằm xoa dịu bù đắp những hy sinh của các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công cách mạng đã góp công, góp của và hy sinh cả xương máu cho nền độc lập tự do ngày nay, thời gian tới, công tác đền ơn đáp nghĩa được TPHCM tiếp tục triển khai như thế nào?

Ông Huỳnh Thanh Khiết: Trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phấn đấu đảm bảo 100% người có công với cách mạng và thân nhân được giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách, không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện, 100% phường, xã thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc người có công; 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư nơi cư trú. Đẩy mạnh các phong trào vận động đền ơn đáp nghĩa trong toàn xã hội; tăng cường các giải pháp hỗ trợ gia đình người có công phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Phối hợp rà soát lại việc xem xét công nhận các đối tượng, không để tồn đọng hồ sơ đủ điều kiện không giải quyết, đẩy mạnh vận động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở các cấp. Đẩy mạnh, phối hợp với các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các quận, huyện rà soát lại việc xem xét công nhận mới các đối tượng đặc biệt là hồ sơ đề nghị tặng và truy tặng danh hiệu Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” theo Nghị định 56/NĐ-CP của Chính Phủ. Tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các đoàn thể và quần chúng nhân dân về chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa.

*VOH: Cám ơn ông!

Phương Dung

Bình luận