Trước thực tế đó, ngày 11/3, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các sở ngành liên quan, cơ quan truyền thông cùng một số doanh nghiệp lữ hành khảo sát các tuyến điểm, dịch vụ du lịch ở địa phương để từ đó quy hoạch bài bản, tạo sản phẩm đặc trưng phát triển ngành công nghiệp không khói ở Củ Chi.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thăm hộ nuôi bò sữa ở Củ Chi.
Cho đến nay, toàn huyện Củ Chi có 49 cơ sở lưu trú; 4 cơ sở ăn uống đạt chuẩn dịch vụ du lịch. Ngoài các di tích lịch sử như: Địa đạo Củ Chi, Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Gia Định, địa phương này còn nhiều loại hình du lịch sinh thái gắn nông nghiệp và nghỉ dưỡng vừa mới được đầu tư khai thác như Khu du lịch “Làng an dưỡng thôn Kênh Đông” ở xã Trung Lập Thượng; Khu sản xuất rau an toàn Trung Hiệp Thạnh, Trang trại Nông Trang Xanh (xã An Nhơn Tây); Khu du lịch An Lạc Trang (xã Phú Hòa Đông), Khu du lịch sinh Thái Bình Mỹ (xã Bình Mỹ).
Sự phát triển của nhiều loại hình du lịch trong thời gian qua đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách. Tuy nhiên, theo ông Võ Anh Tài, Phó TGĐ Công ty du lịch Sài Gòn thì đối với Củ Chi, cần thiết phải chú trọng vấn đề về giao thông. Không phải chỉ có những tuyến đường chính mà điều cần thiết là đầu tư phát triển tuyến giao thông đến, kết nối với các điểm tham quan cả về đường bộ và đường sông để tạo thuận lợi cho du khách khi đến tham quan tại đây.
Trong khi nhiều loại hình du lịch do tư nhân có sự đầu tư phát triển, ghi nhận những chuyển mình tích cực thì khu những điểm tham quan di tích lịch sử chậm đổi mới nên kém hấp dẫn du khách. Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi vốn nổi tiếng toàn thế giới nhưng lượng khách mỗi năm chưa cao. Trong năm 2016, điểm đến này mới chỉ đón được 1,5 triệu lượt khách, trong đó 850.000 lượt khách nội địa và 650.000 lượt khách quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, hầu như suốt thời gian qua, những công trình tham quan trong Địa đạo Củ Chi chưa tạo ra dấu ấn nổi bật, không mang đến những trải nghiệm mới đối với du khách. Đây là lí do mà Ban quản lý Khu di tích này đang có những đề xuất đầu tư, mở rộng thêm một số khu vực.
Đại tá Trần Văn Tâm, Giám đốc Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi cho biết: "Di tích hiện đã có đề án mở rộng 125 ha. Hiện nay đang kêu gọi đầu tư để làm sao khu di tích mở ra lớn hơn, rộng hơn, kéo du khách về ngày càng nhiều hơn. Địa đạo Củ Chi là khu truyền thống có một không hai trên thế giới đã được công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia. Vì là khu di tích nên hạn chế đầu tư làm mới ở một số khu vực. Những gì đã là di tích thì đều không thể làm lại được. Mọi việc tôn tạo, sửa sang đều có ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch".
Các em thiếu nhi tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của du lịch để Củ Chi ngày một hấp dẫn và lôi cuốn du khách, Phó Chủ tịch UBND thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết, sắp tới thành phố sẽ từng bước có những kế hoạch, lộ trình phù hợp để vực dậy du lịch Củ Chi, để nơi đây trở thành điểm tham quan lý tưởng, thu hút các nhà đầu tư lớn, những dự án lớn, qua đó sẽ góp phần thu hút dân cư, điều chỉnh mật độ dân số, vì hiện nay Củ Chi chiếm gần 1/4 diện tích thành phố nhưng mật độ dân số hiện khá thưa thớt.
"Chúng tôi thấy điểm yếu hiện nay cần phải khắc phục là giao thông. Du khách hiện muốn đến Củ Chi còn xa và tắc đường. Thành phố đang có chủ trương xây dựng cao tốc, đường trên cao để rút ngắn thời gian du khách xuống Củ Chi. Ngoài ra, nếu để bà con và doanh nghiệp du lịch ở đây tự hoạt động sẽ còn rất nhiều khó khăn. Do đó, thành phố sẽ có những kết nối cụ thể để các doanh nghiệp du lịch và du khách đến với Củ Chi. Đặc biệt sẽ có thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, kể cả du lịch đường thủy", ông Tuyến cho biết thêm.