Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cuộc thi “Thính giả với An toàn giao thông”: Lan tỏa các tác phẩm đạt giải trên các làn sóng VOH

(VOH) - Ban An toàn Giao thông TPHCM phối hợp với Kênh Giao thông Đô thị - VOH, tổng kết Chương trình “Đi An toàn - Về hạnh phúc” và trao giải Cuộc thi “Thính giả với An toàn giao thông”.

Sau gần nửa năm phát động, sáng nay (11/12), Ban An toàn Giao thông TPHCM phối hợp với Kênh Giao thông Đô thị (Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM) tổng kết Chương trình “Đi An toàn - Về hạnh phúc” và trao giải Cuộc thi “Thính giả với An toàn giao thông”.

đi an toàn về hạnh phúc

Trao giải cho các tác phẩm đạt giải trên các làn sóng VOH

Qua hơn 300 số phát sóng của chương trình, từ 17g00 - 17g30 phút hằng ngày, “Đi an toàn - Về hạnh phúc” đã phản ánh một cách toàn diện nhất các vấn đề giao thông của TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Từ chủ trương, định hướng phát triển hạ tầng của lãnh đạo TP đến những đóng góp, ý kiến, trao đổi và chia sẻ của đông đảo người dân, các cộng tác viên của chương trình.

Nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế từ thính giả, các phóng viên chương trình đã tiếp cận và có được những góc nhìn riêng để phản ánh, chia sẻ, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học, các sở ngành liên quan để có hướng tháo gỡ, giải quyết kịp thời, tăng tính tương tác, tạo nét hấp dẫn của chương trình qua các mục như Camera hành trình, Tiêu điểm giao thông, Luận bàn giao thông.

Chọn chủ đề “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, cuộc thi “Thính giả với An toàn giao thông” năm nay nhận được 100 tác phẩm dự thi. Qua 3 vòng: sơ khảo, chung khảo và chung kết xếp hạng, Ban tổ chức đã chọn ra 14 tác phẩm để trao giải.

Trong đó, Tác phẩm “Tiếng thét từ cõi âm” của tác giả Nguyễn Công Trực được trao giải Nhất; 2 giải Nhì được trao cho các tác giả Lê Ngọc Tấn - Thu Phương; 3 giải Ba thuộc về các tác giả Nguyễn Thuần Khang, Nguyễn Trường Thịnh và Lê Ngọc Tấn.

Chia sẻ niềm vui với giải thưởng cao nhất mình nhận được, ông Nguyễn Công Trực cũng hy vọng: thông điệp mà ông chuyển tải qua tác phẩm sẽ được nhiều người đồng tình và thực hiện nghiêm.

“Thông điệp mà tôi muốn gửi đi là tất cả mọi người đều phải ý thức về an toàn giao thông. Thêm vào đó, cần phải chấp hành tốt luật giao thông và tuyên truyền cho nhiều người khác cùng thực hiện thì tai nạn giao thông mới giảm được” – ông Trực chia sẻ.

Ngoài giải Nhất, tác phẩm Tiếng thét từ cõi âm còn được Ban tổ chức trao giải Ấn tượng. Trong khi đó, giải Sáng tạo được trao cho tác giả Nguyễn Thị Mỹ (Long An) và giải Tác giả cao tuổi nhất được trao cho ông Phan Văn Triều (Tiền Giang) với tác phẩm dự thi “Nhớ mãi cuộc hội ngộ bất ngờ”.

“Thông điệp mà tôi xây dựng là thanh niên có học thức phải chấp hành luật pháp, không say xỉn, lái xe chở ba người, không đội nón bảo hiểm. Đây là câu chuyện có thật từ người cháu trong nhà của tôi khi đã say, lái xe chở ba và bị cảnh sát giao thông xử phạt”, ông Triều bộc bạch.

Theo dõi và đồng hành trong rất nhiều số phát sóng của “Đi an toàn - Về hạnh phúc”, tác giả Nguyễn Trường Thịnh cũng gửi đi dự thi tác phẩm “5 năm cuộc gặp gỡ định mệnh” và nhận được giải 3 của Cuộc thi - đây cũng là tác giả trẻ nhất của năm nay.

Vốn là sinh viên, vừa tốt nghiệp Kỹ sư Tàu thủy (Trường ĐH Bách Khoa), Thịnh cho biết cũng rất thích sáng tác. Cuộc thi “Thính giả với An toàn giao thông” là một mảnh đất tốt cho anh thử sức với đam mê tay trái của mình.

Thịnh chia sẻ: “Khi nghe MC thông báo chủ đề của cuộc thi, em đã có ngay ý tưởng trong đầu. Thông qua chương trình này em xây dựng câu chuyện để giúp mọi người ý thức hơn về việc tham gian an toàn giao thông, đây không chỉ là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình mà còn với tất cả mọi người cùng tham gia giao thông trên đường. Đó là mục đích và ý nghĩa mà em muốn tham gia Cuộc thi ngày hôm nay”.

Tại Lễ tổng kết và trao giải sáng nay, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho rằng, nhiều năm qua, Cuộc thi đã có tác động tuyên truyền sâu rộng đến mọi người tham gia giao thông. Đặc biệt, từ ý tưởng Cuộc thi, Ban An toàn Giao thông TPHCM đã định hướng khâu tuyên truyền để xây dựng ý thức tham gia giao thông trong các tầng lớp nhân dân.

Bằng những tình huống điểm được xây dựng, thông điệp ý thức khi tham gia giao thông được chuyển tải khéo léo tạo hiệu ứng tốt cho Cuộc thi. Tuy nhiên, theo ông Tường, những nội dung đạt kết quả cao ở Cuộc thi năm nay cần phải được truyền tải tới nhiều người chứ không chỉ những người ở đây hoặc các thính giả nghe Đài.

"Chúng tôi muốn các tác phẩm hay này phải được Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Ban An toàn Giao thông TP cùng với các Sở ngành, thành viên Ban An toàn Giao thông 24 quận huyện phải nắm, phải xem được để họ biết và tiếp tục ủng hộ Đài, từ đó có bước phối hợp, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, ông Tường mong muốn.

Từ định hướng chung của Thành ủy, UBND TP, ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM cho hay, tới đây Đài sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các lực lượng có các chức năng về giao thông để đẩy mạnh tuyên truyền trên các làn sóng của Đài.

Ông Lê Công Đồng chia sẻ: “Chỉ một tháng nữa thôi chúng ta sẽ thực hiện chủ đề “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Trên tinh thần đó, chúng tôi sẽ sử dụng các tác phẩm dự thi để phát trên các làn sóng của Đài, tuyên truyền trong năm 2020.

Bước vào năm 2020, chúng tôi không chờ tới khi có ký kết hợp tác mà VOH sẽ trực tiếp chủ động, triển khai ngay từ đầu năm. Chúng ta sẽ bắt đầu vào một cuộc vận động mới, góp phần thực hiện hiệu quả hơn việc tuyên truyền an toàn giao thông cho TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM kiên trì tiếp tục phòng, chống tham nhũng - Cử tri Quận 10 quan tâm nhiều đến công tác phòng, chống tham nhũng, chủ quyền biển đảo, xử lý tội phạm ma túy.

Hội chữ thập đỏ thành phố tổ chức thăm tặng quà và khám bệnh cho các nghệ sĩ neo đơn - Chiều 10/12, chương trình “Nơi yêu thương ở lại” đến thăm các nghệ sĩ neo đơn tại Viện Dưỡng Lão nghệ sĩ phường 3, quận 8.

Bình luận