Đại hội đại biểu Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM lần thứ 4

(VOH) - Chiều 27/9, Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kì 2019 – 2024. Ghi nhận của Phương Dung.

Báo cáo tại đại hội, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2014-2019; tổng kết 5 năm hoạt động của Hội; thảo luận và thông qua Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) của Hội, bầu Ban Chấp hành mới. 5 năm qua, các cấp hội đã thu được kết quả tốt trong vận động các nguồn lực, với gần 27 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp đỡ nhiều hội viên cải thiện cuộc sống và sức khỏe; xây và sửa chữa 33 căn nhà tình nghĩa, tình thương; trợ cấp gần hai triệu suất học bổng; trợ giúp nạn nhân chất độc da cam tìm việc làm, vốn sản xuất, làm kinh tế, tặng phương tiện sinh hoạt, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khám sức khỏe.

Nói về phương hướng sắp tới bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết thêm: "Chăm sóc nạn nhân về vật chất cũng như tinh thần, thứ nhì là thay mặt cho nạn nhân để đấu tranh giành công lý cho nạn nhân. Bên cạnh đó chúng tôi cố gắng xây dựng Làng Cam dể nuôi các cháu và thành lập công ty vì nạn nhân chất độc da cam để đem các cháu vào làm việc để các cháu được lãnh lương, đóng BHXH, BHYT và sống như những người bình thường".

Chị Phạm Thị Nhí – nạn nhân da cam, hiện đang làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM kể, cha của chị tham gia kháng chiến ở Liên khu 5, (Trà My, tỉnh Quảng Nam), sau đó tham gia vào đoàn Dân công hỏa tuyến đi dọc Trường Sơn, và hậu quả để lại là đứa con bị tật nguyền như chị, nhưng chị tự nhận là mình vẫn còn may mắn vì có thể tự làm việc nuôi sống bản thân: "Tôi bị nhiễm chất độc hóa học từ cha, bị liệt nửa người, chân vẹo vọ, đi lại khó khăn, mọi sinh hoạt đều nhờ vào người thân. Ba mẹ bây giờ già yếu, sống nhờ vào trợ cấp của nhà nước, bản thân tôi đi làm ở Hội, nhà có 6 chị em nhưng may mắn là các em không bị vẹo vọ như mình, tôi được Hội chấp nhận vào làm việc từ năm 2004 đến nay".

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM cho biết: Nhờ có sự quan tâm chăm sóc của lãnh đạo chính quyền địa phương rất chu đáo, đặc biệt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố  với việc làm tâm huyết, nhân đạo nghĩa tình đã chăm sóc cho nạn nhân da cam về mọi mặt, sắp tới sẽ tập trung vào những nội dung sau: "Nhiệm kỳ IV này tập trung vào chăm sóc đời sống cho nạn nhân Da cam/Dioxin TPHCM bằng biện pháp xây dựng Làng Cam, nuôi dưỡng nạn nhân da cam mà bố mẹ chết hết rồi, không có nơi nương tựa. Thứ 2 là điều trị bằng phương pháp trị liệu cho những nạn nhân bằng phương pháp tẩy độc. Thứ 3 là dạy nghề cho con em của họ mà không có đủ khả năng đi học trường công. Học ở đây để họ có thể tự lo cho cuộc sống của họ".

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam tặng bằng khen cho các cá nhân có đóng góp tích cực trong nhiệm kỳ 2014 – 2019.

Tại Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin Việt Nam cho biết: Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm nạn nhân chất độc da cam, nhưng còn nhiều gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, đang rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ. Đồng thời ông cũng biểu dương những tấm gương tiêu biểu, điển hình đã hết lòng giúp đỡ, đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị: "Sắp tới tiếp tục vận động để giúp cho các nạn nhân, vận động quốc tế và trong nước để xây dựng Làng Cam - nuôi dưỡng cho những người nạn nhân cô đơn và các cháu mồ côi, dạy nghề về nông nghiệp cho các cháu. Sau kỳ Đại hội lần thứ 4 của Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM  chúng tôi hy vọng Hội sẽ có bước phát triển với một lòng nhiệt tình, trách nhiệm là đội ngũ tiêu biểu cho công tác Hội hiện nay".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2019-2024 gồm 05 vị; Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tái đắc cử làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin TPHCM.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm