Chờ...

Đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức PPP, giải quyết được vấn đề thiếu vốn

(VOH) – Đó là nhận địng của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và định hướng giai đoạn 2017-2020 diễn ra sáng 14/6.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, đã hơn 20 năm qua, kể từ khi thành phố triển khai phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hơn 2 năm thành phố thực hiện nghị định mới của Chính phủ về đối tác công tư, mô hình này đạt được những kết quả khá toàn diện, góp phần cùng thành phố và cả nước giải quyết được những bức xúc, trăn trở của người dân về giao thông, ngập nước, môi trường…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa (từ phải qua) trao đổi tại hội nghị.

Nghe bài viết tại đây.  

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, PPP là hình thức đầu tư rất tốt, nó mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đặc biệt trong giai đoạn tới, trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, PPP có thể được xem là một trong những giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thiếu vốn về đầu tư hạ tầng. Đây là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. ‘

“Thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo và hành động, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ. Trong thời gian vừa qua, thành phố đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách để kiến tạo môi trường PPP thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong đó, điểm nhấn là thành lập Ban chỉ đạo PPP do một đồng chí phó chủ tịch UBND TP làm trưởng ban; triển khai thành lập Quỹ phát triển dự án PDF. Quỹ này ứng trước vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án PPP sẽ được hoàn trả các chi phí chuẩn bị đầu tư cho Quỹ”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, để các dự án PPP triển khai khả thi hơn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ với mức phí thích hợp, thành phố cũng đang nghiên cứu thành lập Quỹ Bù đắp Tài chính (VGF), kết quả đó đã tạo nên môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh của thành phố thông thoáng hơn. TPHCM cũng trở thành một trong những điểm đầu tư PPP lý tưởng trong cả nước với 153 dự án được triển khai. Tổng mức đầu tư là 451.000 tỷ đồng.

Theo ông Phong, mặc dù các dự án theo hình thức PPP thực hiện không lớn, chỉ chiếm 5% số dự án đầu tư công của thành phố. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động từ các dự án này rất lớn, gấp 5 lần nguồn lực đầu tư của thành phố (2011-2015). Đây là một trong những giải pháp phù hợp đối với những địa phương có nguồn đầu tư lớn như TPHCM.

Đại diện nhà đầu tư nêu những vấn đề trong tham gia đầu thầu các dự án  

Hiện nay, nhu cầu đầu tư của TPHCM giai đoạn (2016-2020) là rất lớn. Ước tính khoảng 850.000 tỷ đồng, kể cả nguồn vốn xã hội hóa, trong khi khả năng cân đối ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu đầu tư. Chỉ tính riêng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước là gần 500.000 tỷ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Trong khi đó, ngân sách chỉ có thể giải quyết được đối với các dự án về hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước khoảng 31,8% trong tổng số nhu cầu đầu tư là 850.000 tỷ đồng.

5 năm qua, công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã trực tiếp đầu tư tài trợ khoảng 150 dự án, trong đó chủ yếu là hạ tầng xã hội và kỹ thuật, bệnh viện, hạ tầng cầu đường … Đồng thời, công ty cũng tài trợ hơn 20.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan đến PPP.

Ông Phạm Phú Quốc – Tổng Giám đốc công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết trong 5 năm tới, tính từ năm nay, đăng ký tham gia khoảng 32 dự án PPP với tổng vốn đầu tư khoảng 74.800 tỷ đồng và trực tiếp tham gia khoảng 12.840 tỷ đồng. Mục tiêu của chúng tôi là tham gia một phần thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, tiên phong, vốn mồi, tạo niềm tin cùng với các thành phần kinh tế khác tham gia dự án này.

Chia sẻ kinh nghiệm quản lý Nhà nước thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP, bà Nguyễn Thị Thu Hoa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP cho biết trong bối cảnh nguồn ngân sách thành phố còn hạn hẹp, đối với các dự án PPP, nhà đầu tư phạm tạm ứng toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng, chi phí này sẽ được hạch toán vào tổng chi phí đầu tư được phê duyệt. Theo đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thành 1 dự án riêng để thực hiện độc lập, mà thực hiện chung với dự án PPP, không phê duyệt dự án bồi thường mà chỉ phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Về mặt pháp lý, bà Vũ Quỳnh Lê – Phó Cục trưởng cục quản lý Đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm: “Đối với nghị định 15, trong quy trình xây dựng, công bố dự án, tại điều 9 quy định, thì có 2 nhánh để xây dựng và đề xuất dự án, đó là dự án do nhà nước đề xuất và dự án do nhà đầu tư đề xuất. Đối với quy định này, vấn đề vướng mắc là tổng mức đầu tư. Nếu như dự án do nhà đầu tư đề xuất, thì hầu như nhà nước có thẩm quyền rất khó quản lý, chưa phát huy được tính sáng tạo của nhà đầu tư khi thực hiện dự án. Định hướng sửa đổi là cho phép đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay sau bước phê duyệt, đề xuất dự án đối với những dự án có công nghệ cao và đặc thù, cho phép sơ tuyển hoặc sơ tuyển song song trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi”.

Hiện trên địa bàn TPHCM có 23 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng dự án. TP đã triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 71.172 tỷ đồng chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường. Bên cạnh đó, thành phố có 130 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 380.947 tỷ đồng, tiếp tục kêu gọi đầu tư 116 dự án theo hình thức PPP với tổng mức dự kiến là 136.741 tỷ đồng./.