Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm

(VOH) - Bên cạnh triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát

Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, thông tin từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, “Tháng hành động” năm 2022 kéo dài từ 15/4 đến 15/5 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Trong tháng hành động này, bên cạnh triển khai chiến dịch truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm Ban sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát. Với mục tiêu tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác thanh kiểm tra trong Tháng hành động hướng đến các đối tượng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản theo chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, bị phản ảnh từ các cá nhân, tổ chức, báo đài.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 1
Xe loa tuyên truyền cho Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Trong quá trình kiểm tra tập trung xem xét các nội dung, có thể kể đến như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với những cơ sở thuộc diện phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm); Giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn (đối với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ); Giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu pháp lý quy định tại Chương II và Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018; Nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; Về quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo quy định tại Điều 26 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018; Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người được quy định tại Luật an toàn thực phẩm và thông tư của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương.../.