Đề án giúp nữ công nhân hội nhập đô thị

(VOH) - Qua 1 nhiệm kỳ triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả khả quan với nhiều hoạt động dành riêng cho nữ công nhân lao động nhập cư.

Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ” giai đoạn 2017 - 2021 là một trong năm công trình trọng điểm của Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 – 2021, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng, thích ứng, hòa nhập tốt cuộc sống đô thị, gương mẫu trong lao động sản xuất, thực hiện tốt trách nhiệm công dân nơi lưu trú.

Qua 1 nhiệm kỳ triển khai thực hiện Đề án đã đạt được những kết quả khả quan với nhiều hoạt động dành riêng cho nữ công nhân lao động nhập cư. Các nữ công nhân đã dạn dĩ hơn, có tinh thần trách nhiệm cao hơn, gắn kết hơn khi chung sống, tham gia sinh hoạt tại khu nhà trọ.

Đài TNND TPHCM (VOH) trao đổi với bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.

Đề án giúp nữ công nhân hội nhập đô thị 1
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.

*VOH: Thưa bà, bà giới thiệu khái quát về những điểm chính trong Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động tại khu lưu trú - khu nhà trọ”?

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa: Đề án “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị trong nữ công nhân, lao động khu lưu trú - nhà trọ” giai đoạn 2017 - 2021 là một trong năm công trình trọng điểm của Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Mục tiêu của Đề án là trang bị cho nữ công nhân, lao động khu lưu trú, nhà trọ về kiến thức pháp luật, các kỹ năng cần thiết để hội nhập đời sống đô thị, góp phần xây dựng lực lượng nữ công nhân có lòng yêu nước, có sức khỏe, có lối sống đẹp, yêu thích nghề nghiệp, gắn bó và tích cực lao động, đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thành phố.

Từ khi triển khai Đề án, các chị đã có thêm sự tự tin khi đến làm việc tại TPHCM. Mục tiêu của mình là chỉ hỗ trợ kiến thức nhưngbất ngờ là đề án đã vượt quá sự mong đợi. Tức là các chị được trang bị thêm kỹ năng phòng vệ khi làm đêm về cũng như kỹ năng làm đẹp để các chị tự tin hơn khi hòa nhập với cuộc sống ở đô thị.

Một điều nữa là mình chỉ hỗ trợ tiếp cận và tuyên truyền cho 50.000 nữ công nhân lao động nhưng trên thực tế trong nhiệm kỳ đã có trên 52.000 nữ công nhân lao động đã được tiếp cận đề án và đã được nhân rộng ra thêm 7 quận, huyện khác. Đây là sự thành công vượt hơn so với mục tiêu ban đầu đặt ra.

*VOH: Trong thời gian qua, đề án "Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hội nhập đô thị cho nữ công nhân khu lưu trú, nhà trọ giai đoạn 2017 – 2021” đã đạt được những kết quả đáng kể nào? Trong đó có các mô hình hay cách làm sáng tạo nào nổi bật nào nhằm thu hút nhiều hội viên là nữ công nhân tham gia?

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa: Khi thực hiện đề án chúng tôi nhận được rất nhiều thuận lợi, đó là chủ trương của lãnh đạo Thành phố và Hội cũng có sự chuẩn bị kỹ từ tham vấn ý kiến của các chuyên gia và sự chuẩn bị và đầu tư kỹ.

Sau khi được sự đồng thuận của lãnh đạo Thành phố, Hội xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên phù hợp với nhu cầu của nữ công nhân ở các khu nhà trọ đồng thời cũng nhận được sự phối hợp của các ngành, địa phương, lãnh đạo các công ty.

Kết quả là từ tháng 02/2017 đến nay, đã tổ chức 443 cuộc truyền thông tại các khu nhà trọ, 56 cuộc tại Công ty TNHH PouYuen, có 52.000 lượt nữ công nhân, lao động tham dự, đạt 104% mục tiêu của Đề án. Điều đó, cho thấy sức hút của Đề án, không chỉ truyền thông trong nữ công nhân, mà nam công nhân cũng có nhu cầu được lắng nghe và thay đổi nhận thức.

Từ năm 2018, Hội LHPN Thành phố chỉ đạo Hội LHPN các quận, huyện có đông công nhân lao động nhập cư triển khai nhân rộng Đề án như thành phố Thủ Đức, Quận 6, 7, 12, huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, thu hút hơn 14.200 lượt công nhân lao động tham dự.

Đề án mở rộng các chuyên đề phù hợp với công nhân lao động và theo thực tế tại địa phương như: kỹ năng tự vệ cho công nhân lao động khi tăng ca về khuya; kỹ năng sống hạnh phúc, kỹ năng làm đẹp….

Điểm nổi bật nữa là sự linh động, sáng tạo của Hội LHPN TPHCM trong triển khai thực hiện, nhanh chóng thay đổi thích ứng với dịch bệnh Covid-19.

Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội LHPN TP đã phối hợp cùng Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố (VOH) thực hiện phát sóng chuyên mục “Nhịp sống nữ công nhân”, thu hút hơn 132.000 lượt thính giả đón nghe, qua đó, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng Đề án, không riêng nữ công nhân lao động nhập cư mà là người dân Thành phố.

*VOH: Để đạt được những thành tích trên, chắc chắn quá trình triển khai đề án cũng đã gặp không ít khó khăn. Bà có thể chia sẻ về những khó khăn này cũng như Hội đã giải quyết như thế nào?

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa: Trong quá trình thực hiện Đề án, Hội đã gặp một số khó khăn, lúng túng vì chưa nắm rõ chị em nữ công nhân ở các khu nhà trọ thiếu thốn những gì và cần gì? Làm sao để triển khai đúng đối tượng và có kết quả là một bài toán rất khó đặt ra.

Tuy nhiên, sau đó Hội có làm việc với các chuyên gia giúp cho mình một số nội dung và quan trọng hơn là giúp Hội khảo sát rất sâu trong các đối tượng là nữ công nhân để tìm hiểu nhu cầu và mong muốn. Sau những cuộc khảo sát đó thì chúng tôi đã chủ động.

Một cái khó nữa là chúng tôi không có lực lượng báo cáo viên đủ để đến tuyên truyền ở các khu nhà trọ vì vậy chúng tôi lại phải xây dựng một đề án nhỏ là tập huấn các lớp bồi dưỡng báo cáo viên, thu hút lực lượng tình nguyện có kỹ năng để cùng với hội lan tỏa xuống các khu nhà trọ.

Mình không có tài liệu nhiều nhưng các bạn ở Ban Tuyên giáo cùng với lực lượng tình nguyện soạn ra một nội dung cho cuốn cẩm nang, trong đó có nhiều nội dung ý nghĩa, tư vấn về pháp luật về cuộc sống gia đình.

Một khó khăn nữa là ban đầu xây dựng đề án chúng tôi không tính đến đặc thù ở những nơi hay xảy ra triều cường gây ngập, khó khăn trong việc tham dự của các chị em công nhân. Từ đó, chúng tôi có thêm kinh nghiệm là lên lịch tổ chức cần lưu ý thêm về thời tiết, thời gian và địa điểm phù hợp.

Đề án giúp nữ công nhân hội nhập đô thị 2
Một buổi tuyên truyền cho nữ công nhân - lao động.

*VOH: Với vai trò là đơn vị thực hiện Đề án với nhiều hoạt động dành cho nữ công nhân lao động, theo bà, nữ công nhân lao động hiện nay có sự thay đổi như thế nào so với thời gian trước đây, thưa bà?

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa: Có một sự chuyển biến rất rõ nét trong nhận thức cũng như hành động của chị em, trong đó thành công nhất là ý thức tập thể, nghĩa là trước đây không có các Chi hội phụ nữ công nhân ở tại các khu nhà trọ.

Qua triển khai, hiện nay chúng tôi đã xây dựng được 31 chi, tổ Hội Phụ nữ công nhân nhập cư với gần 1.000 hội viên.

Đây là một sự thành công và chúng tôi nghĩ sự thành công này là do ý thức tập thể khi chị em tham gia, hiểu về tổ chức hội cũng như có ý thức hơn khi đến nơi làm việc cũng như ý thức tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương như công tác về môi trường.

Chị em đẹp hơn, tự tin hơn cũng như hiểu biết về pháp luật và chấp hành tốt hơn các quy định ở tại địa phương, từ đó mình có những công dân ở các tỉnh khác đến với Thành phố mình hoàn thiện hơn khi có kỹ năng, kiến thức, đóng góp cho Thành phố mình tốt hơn.

*VOH  : Cảm ơn bà ! 

Bình luận