Diễn đàn Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

(VOH) - Chiều 21/6, Đoàn khối Dân - Chính - Đảng TPHCM, Huyện đoàn 5 huyện ngoại thành cùng với Sở NN-PT&NT đã tổ chức diễn đàn Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hàng trăm đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp và các doanh nghiệp đang xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm nông nghiệp từng bước thương mại hoá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.

TPHCM là một đô thị lớn với hơn 10 triệu dân, tính luôn khách vãng lai có thể hơn 13 triệu dân. Nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp của người dân Thành phố khá lớn, trong khi khả năng cung cấp vẫn còn hạn chế. Cụ thể đối với gạo chỉ cung ứng 7%, rau củ quả khoảng 40%, thịt heo gần 20%, thịt trâu bò khoảng 22%, riêng thịt gia cầm chỉ đáp ứng được 1,7% và thuỷ sản là 20%.

Diễn đàn Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Diễn đàn Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết diễn đàn nhằm hỗ trợ các chủ thể từng bước thương mại hoá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp. "Thời gian qua, Thành phố đã triển khai ký kết, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của ngành nông nghiệp với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản  nông sản, thực phẩm an toàn của 15 tỉnh, thành phía Nam gồm Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang... Đặc biệt thời gian qua, TPHCM  và ngành nông nghiệp cũng đã triển khai tổ chức các hội chợ, chợ phiên, kết nối tiêu thụ nông sản như chợ phiên nông sản an toàn hàng tuần, hội chợ triển lãm giống, hội chợ nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố."     

Thành phố hiện có 27 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp hạng 5 sao. Bên cạnh đó, tiềm năng sản phẩm OCOP trên địa bàn TPHCM còn khá lớn. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 có đến 86 sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP theo đề án.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng Thành phố, cho rằng việc kết nối cung cầu trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều điểm bất cập. Cụ thể như yêu cầu chủ thể OCOP phải có tư cách pháp nhân, phải có nguồn gốc nguyên liệu từ địa phương trong khi vùng nguyên liệu nông nghiệp tại Thành phố đang có xu hướng thu hẹp dần, nhiều hợp tác xã nông nghiệp năng lực cạnh tranh còn thấp... Thông qua diễn đàn, vai trò của thanh niên trong việc kết nối, hỗ trợ các chủ thể ngành nông nghiệp ứng dụng chuyển đổi số các sản phẩm lên sàn thương mại được nhận diện. Các nhận định về xu hướng, giải pháp trong kết nối cung cầu, kinh nghiệm thành công trên sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp được chia sẻ.

"Việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện các khâu sản xuất, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh sản phẩm...là chìa khóa để ngành nông nghiệp Thành phố tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, giải pháp về đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản phù hợp với đặc điểm quy mô, cấp độ sản xuất, gắn với ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào các sàn giao dịch điện tử trong nước và quốc tế là nhu cầu cấp thiết trong hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp hiện nay” - Bí thư Đoàn khối Dân - Chính - Đảng Thành phố thông tin.

Thông qua diễn đàn, Đoàn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Huyện đoàn Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và đại diện sàn Thương mại điện tử Alibaba đã thực hiện nghi thức phối hợp trong việc tiếp tục xúc tiến, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm nông nghiệp.