Diễn đàn trực tuyến 'Nam giới, Nam tính và Bình đẳng giới tại Việt Nam'

(VOH) - Diễn đàn trực tuyến "Nam giới, Nam tính và Bình đẳng giới tại Việt Nam" sẽ được tổ chức vào ngày 3/11 lúc 14h-15h30 phút trên nền tảng Zoom.

Chương trình do Tổng Lãnh Sự Quán Úc ở TPHCM, Sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức CARE Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn trực tuyến 'Nam giới, Nam tính và Bình đẳng giới tại Việt Nam'
 

Bình đẳng giới trong lao động rất quan trọng để thúc đẩy sự năng động của nền kinh tế Việt Nam và đảm bảo cho sự thịnh vượng trong tương lai. Một cách tiếp cận mới, hướng đến cả nam và nữ đồng thời giải quyết các chuẩn mực liên quan đến giới là cần thiết để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Diễn đàn trực tuyến sẽ nhấn mạnh cách tiếp cận mới này qua những phát hiện nổi bật của hai nghiên cứu gần đây, được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Sáng kiến Đầu tư cho Phụ nữ, chương trình tiên phong của chính phủ Úc về bình đẳng giới tại Đông Nam Á, là:

- “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam toàn cầu hóa” (ISDS) – nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới, nam tính ở Việt Nam, được thực hiện với hơn 2.500 nam giới trong độ tuổi lao động.

- “Điều tra các chuẩn mực xã hội về giới ảnh hưởng đến sự tham gia kinh tế của phụ nữ liên quan đến tuyển dụng và thăng tiến ở Việt Nam” (CARE Vietnam).

Diễn đàn sẽ tổ chức một phiên thảo luận có tương tác với các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao của Việt Nam. Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hành động thực tiễn mà các tổ chức có thể thực hiện để vượt qua các rào cản do các chuẩn mực giới tạo ra, nhằm đảm bảo sự tham gia đầy đủ của phụ nữ vào lực lượng lao động. Người tham dự cũng sẽ có cơ hội hỏi đáp trực tiếp với các diễn giả.

Diễn đàn trực tuyến này là một phần trong chuỗi các sự kiện “Đối thoại giới” mà Tổng Lãnh Sự Quán Úc tổ chức vào năm 2020. Theo Tổng Lãnh Sự Úc bà Julianne Cowley chia sẻ: “Nam giới và nữ giới đều bị giới hạn khát vọng bởi những chuẩn mực truyền thống và chịu áp lực to lớn mà xã hội đè nặng lên vai trò của họ trong gia đình cũng như trong công việc. Tình trạng này diễn ra ở rất nhiều quốc gia, bao gồm cả Úc và Việt Nam. Phiên thảo luận của chúng tôi sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bao gồm cả hai giới để đạt được bình đẳng giới, qua đó giúp Việt Nam tăng thêm 40 tỉ đô la cho GDP mỗi năm cho đến năm 2025".