Đường hầm sông Sài Gòn là công trình giao thông có vai trò rất quan trọng của TPHCM. Mỗi ngày có hơn 300 ngàn lượt phương tiện lưu thông qua đường hầm.
Do đó, nếu có xảy ra bất kỳ sự cố giao thông nào dẫn đến cháy, nổ trong hầm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Khi đó, lực lượng chức năng sẽ xử lý như thế nào? Đó là tình huống được đặt ra trong phương án thực tập chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong đường hầm sông Sài Gòn diễn ra vào chiều ngày 27/10.
Tình huống tai nạn liên hoàn và cháy trong hầm sông Sài Gòn.
Tình huống đặt ra cho buổi diễn tập là một xe tải nhỏ chở hàng đang lưu thông qua đường hầm sông Sài Gòn hướng từ quận 1 sang quận 2, khi đến vị trí khu vực gần cửa hầm phía quận 2, do tài xế chạy quá tốc độ không làm chủ được tay lái nên va chạm vào xe tải khác đang lưu thông cùng chiều, dẫn đến xe tải bị lật và trượt một đoạn dài. Đồng thời hệ thống điện trên xe bị chập gặp nhiên liệu trong xe tải tràn ra ngoài gây ra cháy xe tải.
Cùng thời điểm này, có nhiều phương tiện đang lưu thông trong đường hầm không giữ khoảng cách an toàn nên đã gây ra tai nạn giao thông liên hoàn làm ùn tắc giao thông trong hầm. Sự cố gây ra nguy cơ cháy lan, cháy lớn toàn bộ hầm.
Xe tải bị cháy, là nguyên nhân gây nguy cơ cháy nổ trong tình huống đặt ra cho buổi diễn tập.
Ngay sau khi tai nạn và sự cố cháy xảy ra, lực lượng chữa cháy tại chỗ của Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn đã kịp thời có mặt để xử lý và dập lửa, và di chuyển các nạn nhân gặp nạn qua lối thoát hiểm.
Đồng thời, Trung tâm báo cho lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyện nghiệp và các đơn vị có liên quan đến hỗ trợ. Ngay sau đó, lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp đã nhanh chóng đến hiện trường xử lý, dập lửa và thực hiện cứu nạn cứu hộ những người gặp nạn trong hầm và đưa ra ngoài an toàn.
Các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại buổi diễn tập.
Buổi triển khai phương án thực tập chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại đường hầm sông Sài Gòn kết thúc sau 30 phút.
Đánh giá về kết quả thực tập phương án lần này tại đường hầm sông Sài Gòn, Thượng tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07), Công an TPHCM cho biết phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo đúng các kế hoạch, chiến thuật đề ra. Các lực lượng của các đơn vi tham gia thực tập phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia xử lý tình huống. Tuy nhiên, Thượng tá Tâm cũng lưu ý, mặc dù đường hầm được trang bị hệ thống PCCC và hệ thống thoát khói hiện đại nhưng do đặc điểm cháy, nổ ở trong hầm rất phức tạp vì tạo nhiệt độ rất cao kèm khói nhiều sẽ khiến cho lực lượng tham gia chữa cháy, nhất là lực lượng cứu nạn cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phải hết sức đặc thù, phải được trang bị phương tiện phù hợp với loại hình này để công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có hiệu quả.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn, qua việc thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lần này giúp cho đơn vị rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác phối hợp, tổ chức lực lượng chữa cháy ban đầu khi xảy ra các sự cố cháy, nổ cũng như tăng cường, phát huy khả năng xử lý tình huống của lực lượng tại chỗ khi tiếp cận hiện trường để ngăn chặn và phòng tránh kịp thời việc cháy lan, cháy lớn.
Ông Tấn cũng cho biết, công tác đảm bảo an toàn PCCC ở khu vực đường hầm sông Sài Gòn rất được quan tâm, và luôn triển khai đến toàn bộ công, nhân viên, nhất là lực lượng PCCC cơ sở.
Để đảm bảo an toàn giao thông, và phòng ngừa các nguy cơ về cháy nổ trong đường hầm sông Sài Gòn, Trung tâm Trung tâm Quản lý đường hầm khuyến cao người tham gia giao thông khi lưu thông qua hầm cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giao thông như không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng làn đường…và phải tuân thủ theo sự điều tiết, hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Được biết, đường hầm sông Sài Gòn là một trong 10 địa điểm thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ quan trọng của TPHCM, với sự tham gia của gần 300 người, và 28 phương tiện các loại.