PGS-TS Đỗ Tú Lan, nguyên Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho rằng, đợt điều chỉnh quy hoạch chung lần này phải chú ý 2 nội dung quan trọng là giải quyết vấn đề trước mắt và định hướng đến tương lai.
Bài toán trước mắt cần phải giải quyết, đó là ách tắc giao thông, ngập lụt cục bộ, vi phạm về xây dựng, chưa an toàn dân sinh. Về tương lai, TPHCM muốn trở thành một thành phố thông minh, vị thế nổi bật trong khu vực thì phải xác định không gian, động lực, lộ trình xây dựng.
Trong bản thuyết minh tóm tắt điều chỉnh quy hoạch chung, TPHCM tiếp tục với mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, gồm vùng đô thị trung tâm, vùng trung tâm mở rộng phía bắc, nam Sài Gòn, Củ Chi, Cần Giờ và TP Thủ Đức.
PGS-TS Đỗ Tú Lan cho rằng, cần có mô hình phân tích, trong đó xác định ngoài trung tâm chính thì có bao nhiêu đô thị vệ tinh là đủ, mô hình "thành phố trong thành phố" như thế nào, liên kết giữa các đô thị ra sao.
Chuyên gia này không ủng hộ phát triển Cần Giờ thành thành phố mà ủng hộ việc khai thác một số chức năng nhưng cần bảo tồn.
PGS-TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội nhận định, sớm muộn cũng đô thị hóa, TPHCM cần phải sắp xếp lại 5 huyện ngoại thành. Đồng thời, cần tập trung tháo gỡ hàng trăm dự án đang để sửa chữa sai lầm trong quá khứ.
Theo ông Hanh, do không đủ nguồn lực để làm tất cả cùng lúc nên phải có ưu tiên, xác định những khu vực cần làm ngay, khu vực để dự trữ cho thế hệ sau này.
Về mô hình đô thị đa trung tâm, ông lưu ý, các đô thị phải tương đối độc lập với nhau khoảng 60 - 70%, không phát triển theo kiểu thành phố "ngủ", người dân sáng đi vào trung tâm, chiều về lại nhà.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM rằng mô hình đô thị đa trung tâm đã có khoảng 20 năm nhưng chưa thực hiện được, do vậy nếu không mạnh dạn bứt phá thì đô thị vẫn phát triển theo kiểu "vết dầu loang". Khi đó, TPHCM tiếp tục phải giải quyết các hệ lụy của nó.
Về mối liên hệ giữa các trung tâm mới với trung tâm hiện hữu, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị đơn vị tư vấn xác định rõ tỷ lệ tùy theo chức năng. Mặt khác, nếu xét trong địa bàn TPHCM là hệ đô thị đa trung tâm nhưng trong tổng thể thì đó là lõi của vùng đô thị TPHCM.
Khi đó, đô thị ở Huyện Bình Chánh tương tác với Huyện Bến Lức của tỉnh Long An, khu đô thị Tây Bắc tương tác với Huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và kết nối với thủ đô Phnom Penh của Campuchia.
Ông Mãi cũng đề nghị đơn vị tư vấn cùng các sở ngành xác định phương thức giao thông, bên cạnh đường sắt đô thị, giao thông công cộng thì còn cả giao thông thủy.
Lãnh đạo TPHCM cũng nêu thuận lợi khi phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD) sau khi Quốc hội cho phép thí điểm.
TPHCM đã rà soát quỹ đất khoảng 10.000 ha xung quanh metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
"Chúng ta dùng một phần ngân sách đầu tư công thu hồi 1.000 ha, chuyển hóa thành nguồn vốn tiếp tục làm hạ tầng", ông Mãi nói thêm về cách thức thực hiện.