Đối thoại cùng chính quyền Thành phố “Thành phố Hồ Chí Minh - Chung tay đền ơn đáp nghĩa”

(VOH) - Sáng 25/7, chương trình phát thanh trực tiếp “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” do HĐND TP phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện.

Với chủ đề: “Thành phố Hồ Chí Minh - Chung tay đền ơn đáp nghĩa”, các vị khách mời đã cùng giải đáp thắc mắc của thính giả và cho biết thêm về công tác chăm lo, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng của Thành phố trong thời gian qua.

Khách mời tham dự Đối thoại cùng chính quyền Thành phố chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Chung tay đền ơn đáp nghĩa” vào sáng 25/7. Ảnh: Khiêm Huân

Khách mời tham dự Đối thoại cùng chính quyền Thành phố chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Chung tay đền ơn đáp nghĩa” vào sáng 25/7. Ảnh: Khiêm Huân

73 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chủ trương, chăm lo, hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, những việc làm nghĩa tình của nhân dân thành phố đã thể hiện tình cảm, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, mất mát của các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, các đối tượng chính sách trên địa bàn Thành phố cũng như tại các tỉnh thành trên cả nước, góp phần thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước. 73 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các phong trào, các cuộc vận động “Xây dựng đời sống mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và hiện nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cuối năm 2015, đã xuất hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp như chăm lo phụng dưỡng các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh cả về đời sống vật chất và tinh thần.

Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nói thêm: Xây dựng nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ kinh phí để chăm lo trong quá trình chữa bệnh cho thương bệnh binh nặng. Chăm lo cho con em gia đình chính sách thì hằng năm đều nắm bắt và trao tặng học bổng Nguyễn Hữu Thọ, để động viên một phần nào trong quá trình học tập. Có những dịp để tổ chức họp mặt các gia đình chính sách, tuyên dương để thể hiện được cái sự cố gắng, cụ thể như tuyên dương gương trọn nghĩa vẹn tình hay cùng thương binh vượt khó”.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận gia đình người có công với cách mạng gặp khó khăn trong cuộc sống, chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, chưa xác định được danh tính…”Những người mất sức trước năm 1983, 1984 có 2 chế độ là chế độ mất sức và chế độ thương binh. Nhà nước cho hưởng, hoặc là lãnh một lần. Do thiếu năm tính chế độ hưu, mà không được đóng bảo hiểm, để hưởng chế độ hưu. Hiện nay, có nhiều bệnh tật nên có nhiều khó khăn trong cuộc sống. Số người tính lương hưu thiếu mấy tháng, đề nghị nhà nước cho hưởng lương hưu, để nâng cao đời sống số người này”, bà Võ Thị Trong – Trưởng ban liên lạc du kích Củ Chi nêu ý kiến.

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tại phòng thu của chương trình

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM tại phòng thu của chương trình

Ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có phản hồi: “Sau năm 2002, cũng qua phản ảnh thì Nhà nước có ban hành là nếu như mất sức đồng thời là thương binh thì thời gian mất sức phải đủ 20 năm hoặc có tham gia quân đội thì đủ 15 năm thì mới đồng thời được hưởng 2 chế độ. Từ phản ảnh thì Nhà nước có giải pháp, tuy nhiên chưa hoàn toàn triệt để. Điều này chúng tôi xin ghi nhận và tiếp tục phản ảnh đến cơ quan trung ương để tiếp tục có giải quyết trọn vẹn hơn đối với các cô chú đã có thời gian công tác chiến đấu trước năm 1975”.

Thương binh Bùi Minh Hoàng ở Quận 7 với thương tật 93% thắc mắc: Hoàn cảnh đơn chiếc khó khăn, em tính xin về trên trại nuôi dưỡng Long Đất thì có được hay không? Nếu được thì làm thủ tục như thế nào”.

Ông Huỳnh Thanh Khiết -  Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội Thành phố giải đáp: Trường hợp của ông nếu như là hiện nay đang cô đơn, không có vợ không có con, thì nguyện vọng xin vào khu điều dưỡng thương binh ở Long Đất sẽ được. Thủ tục rất đơn giản, ông liên hệ với phòng Người có công, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết”.

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh 73 năm qua luôn được các cấp chính quyển, đoàn thể chú trọng triển khai thực hiện, đạt được kết quả đáng trân trọng thời gian qua. Và để phát huy tốt công tác đền ơn đáp nghĩa được tốt trong thời gian tới cần sự chung tay của các sở, ban, ngành liên quan. Bà Trần Hải Yến - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội - Hội đồng Nhân dân Thành phố yêu cầu: Đề nghị Sở Lao động Thương binh và xã hội Thành phố sẽ ghi nhận, nghiên cứu, và đề xuất những giải pháp để giải quyết kịp thời, những nguyện vọng chính đáng của các cô chú người có công, người thân, gia đình chính sách. Ban Văn hóa xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố tiếp tục giám sát để công tác này, được thực hiện đầy đủ nhanh chóng và chính xác trong thời gian tới”.

Ngọc Bích

Bình luận