Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đón đầu mùa mưa, TPHCM có nhiều giải pháp ứng phó với ngập nước

(VOH) - Thành phố xác định nguồn vốn dự kiến thực hiện các công trình chống ngập hiện nay là hơn 73.000 tỷ đồng.

Trong đó, để triển khai thực hiện dự án theo quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ, cần nguồn vốn gần 53.000 tỷ đồng; thực hiện một số các dự án theo quy hoạch 1547 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là khoảng gần 20.500 tỷ đồng.

Thông tin được đưa ra tại chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” do Hội đồng nhân dân Thành phố phối hợp với Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) thực hiện trực tiếp sáng 25/5 với với chủ đề "Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thoát nước trên địa bàn thành phố".

Các khách mời tham gia chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” chủ đề "Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thoát nước trên địa bàn thành phố"

Các khách mời tham gia chương trình “Đối thoại cùng chính quyền Thành phố” chủ đề "Đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thoát nước trên địa bàn thành phố" sáng 25/5.

Theo ông Trần Như Quốc Bảo – Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng hạ tầng đô thị, thành phố đã xác định nguồn vốn để triển khai thực hiện. Hiện đã có nguồn vốn là gần 27.000 tỷ đồng thực hiện các hợp đồng xây dựng - chuyển giao BT và vốn ngân sách thành phố. Đối với các công trình thực hiện theo quy hoạch 752 thì nay đã xác định được nguồn vốn gần 11.000 tỷ đồng. Đối với các công trình được thực hiện theo quy hoạch 1547 thì đã có nguồn vốn được xác định hơn 16.000 tỷ đồng và chưa xác định được nguồn vốn là gần 4.400 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn thành phố đã có 22/37 tuyến đường đã giải quyết ngập, đạt tỉ lệ gần 60%. Đối với các tuyến đường hẻm, tính đến cuối năm 2018, đã giải quyết được hơn 150 tuyến, đạt hơn 84%. Có khoảng 1.300 tuyến đường quận huyện kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ về hệ thống thoát nước các tuyến đường chính:

“Thành phố cũng đã giải quyết được 4 tuyến đường ngập do triều cường, đạt tỷ lệ 44,4%. Hiện thành phố đang triển khai dự án chống ngập do triều cường, dự kiến sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập của 4 tuyến còn lại, và dự án bờ tả sông Sài Gòn sau khi hoàn thành cũng sẽ giải quyết dứt điểm các tuyến đường còn lại. Nhìn lại từ năm 2008, trên địa bàn thành phố còn tồn tại 126 điểm ngập do mưa, trong đó có 85 điểm ngập thuộc vùng trung tâm và 41 điểm ngập thuộc vùng ngoại vi. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 đã xóa giảm xuống còn 1 điểm của vùng trung tâm và 7 điểm của vùng ngoại vi”.

Ông Bảo cũng cho biết, đầu năm 2011, thành phố có 26 điểm ngập do triều trên các trục đường chính, tuy nhiên đến cuối năm 2018 chỉ còn 5 điểm ngập khu vực ngoại vi. Hiện thành phố đang thực hiện các dự án 752, dự án 1547 và quản lý quy hoạch thành phố theo quy hoạch điều chỉnh xây dựng. Hiện các điểm ngập đang ngày càng ít dần, các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không xảy ra tái ngập.

Ông Huỳnh Văn Tư ở địa chỉ A02/35 đường Thế Lữ, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh phản ánh, gần nhà ông làm cống nhưng chưa có nắp đậy, hơn nữa miệng cống đặt cao hơn nhà dân, mùa mưa tới, nước không thoát được: “Bờ kè này, cống hôm trước làm nói sẽ đặt nắp cống, nay mùa mưa tới rồi nhưng vẫn chưa có nắp cống, tụi tui ở đây hùn vào làm nhưng không đúng thiết kế đậy không kín. Bên công trình có kỹ sư làm mới đúng thiết kế, còn ở đây làm lấy nắp ván đậy đỡ, mưa nó ngập quá trời tháo không ra. Với lại đặt cống ở đầu ngoài cao quá không thoát nước được”.

Vấn đề của ông Tư nêu, ông Vũ Văn Điệp – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng) cho biết: “Chúng tôi sẽ cho đơn vị quản lý kiểm tra ngay, đây là dự án bờ kè do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư, chúng tôi sẽ liên hệ với đơn vị này để kiểm tra lại ngay vị trí mà bác nói, nếu chưa có cống của hố ga sẽ phải bổ sung lắp đặt, đây là trách nhiệm của Ban Quản lý dự án chứ không phải trách nhiệm của người dân”.

Đối với quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước, ông Vũ Văn Điệp nhìn nhận, từ năm 2001 đến nay, thành phố đã thực hiện được rất nhiều dự án lớn, giải quyết rất nhiều điểm ngập mà trước đây thường gọi là “rốn ngập”, điển hình như: Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hũ Bến Nghé, kênh Đôi kênh Tẻ, Tân Hóa Lò Gốm, Đại lộ Đông Tây… xóa những điểm ngập rất nặng trước đây như vòng xoay Cây Gõ, đường Ba Tháng Hai, đường Lê Hồng Phong, Xô Viết Nghệ Tĩnh,…

Trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố thực hiện quyết liệt việc nạo vét, tuy nhiên, việc xả rác bừa bãi, rồi trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng của các công trình thi công mỗi khi trời mưa đã đưa hết xuống miệng cống, do đó việc nạo vét cũng chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước:

“Đối với việc áp dụng cải tiến kỹ thuật trong việc xây dựng nắp hầm ga, để tăng khả năng thu nước, vừa ngăn mùi, chúng tôi đã thực hiện thí điểm ở một số tuyến đường được đánh giá là hiệu quả và đang được xây dựng bộ đơn giá định mức để nhân rộng loại thiết kế mẫu của thu của các hầm ga này”, ông Vũ Văn Điệp cho biết thêm.

Đối với quy hoạch 752 có liên quan đến hiệu quả của dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1”, đến nay quy hoạch này chỉ mới thực hiện được 40-50% khối lượng. Vấn đề tiêu thoát nước, ông Nguyễn Tấn Tuyến - Phó Trưởng Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân Thành phố nhìn nhận:

“Ngoài lý do khách quan như lượng mưa nhiều, triều cường sụt lún, còn có những nguyên nhân lớn là do con người Chống ngập phải có nhiều giải pháp đồng bộ, nhưng đầu tiên cần phải khắc phục là vấn đề cống. Hiện trạng cống TP.HCM không thể thoát kịp nước sinh hoạt và nước mưa trong tình hình mật độ dân số ngày càng đông. Trong khi đó, có nguyên nhân là do người dân xả rác xuống miệng cống và kênh rạch làm tắc nghẽn, thu hẹp dòng chảy. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường vận động người dân không xả rác.

Tuy đây là việc nhỏ nhưng theo tôi cũng là giải pháp căn cơ. Bởi vì năm rồi ngay cống Nguyễn Hữu Cảnh cũng minh chứng cho điều này. Cùng với đó, các công trình chống ngập hiện nay cần thực hiện đảm bảo tính khoa học”.

Khi dự án chống ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1, kết hợp tốt với Quy hoạch 752 về thoát nước trong đô thị phát huy tối đa hiệu quả chống ngập; cùng với các giải pháp chống ngập khác đi kèm, hành vi xả rác xuống dòng kênh, miệng cống hạn chế, môi trường sống của người dân sẽ dần tốt hơn.

Bình luận