Buổi họp mặt đồng bào các dân tộc thiểu số tiêu biểu đầu năm 2017.
TP.HCM là đô thị lớn của cả nước có thành phần cư dân đa dạng, có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, hiện có 51 dân tộc thiểu số với 437.532 người, chiếm 6,1% dân số thành phố.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Nguyễn Hoàng Năng khẳng định: “Thành phố luôn chú trọng xây dựng mối đoàn kết dân tộc, trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, đời sống đồng bào các dân tộc có sự thay đổi đáng kể, số hộ giàu và khá tăng lên, số hộ nghèo khó khăn giảm dần”.
Hiện dân tộc Hoa chiếm số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở thành phố. Trong đó, phần lớn các hộ người Hoa có sản xuất, kinh doanh. "Các hộ kinh doanh nhỏ chiếm khá đông. Những đối tượng này không hiểu nhiều về chính sách, do đó, thành phố cần có khảo sát, tư vấn hỗ trợ họ về các chính sách để đồng bào tin tưởng, có điểm tựa để phát triển, làm ăn", ông Đỗ Long, Tổng giám đốc công ty Bitas, doanh nghiệp người Hoa, trăn trở.
Ngoài ra, ông Long kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện và cho phép cộng đồng người Hoa thành lập Hội doanh nghiệp người Hoa để giúp đỡ đồng bào mình hỗ trợ về chính sách và làm ăn kinh tế.
Hiện TP có 3 dân tộc chiếm số đông và hình thành cộng đồng dân tộc Hoa với 411.000 người; dân tộc Khmer có 11.000 người và dân tộc Chăm có khoảng 7.000 người. Cùng với các dân tộc thiểu số sinh sống hiện nay, hiện thành phố còn có gần 100.000 người nước ngoài đang tạm trú ở thành phố đến từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… Trên lĩnh vực văn hóa, TPHCM có 8 hội quán, 39 đền thờ họ, 66 tổ chức hội, đoàn, đội, nhóm, 2 chùa Phật giáo Nam tông của đồng bào Khmer, 16 thánh đường, tiểu thánh đường của đồng bào Chăm. Đến nay, đã có 19 công trình được xếp hạng di tích có liên quan đến các cộng đồng… |