Dự án, công trình giao thông trọng điểm tại TPHCM chậm tiến độ: Nguyên nhân do đâu?

(VOH) – Sáng 10/6, đoàn đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM đã có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ làm trưởng đoàn, đã có buổi giám sát về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố đối với các Sở: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc và các sở ngành liên quan.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đánh giá vẫn còn nhiều dự án tồn tại, kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Cần có sự rà soát, đánh giá khoa học, sát thực tế, phối hợp đồng bộ để nâng cao hiệu quả các dự án.

Cần rà soát, đánh giá khoa học, phối hợp đồng bộ để nâng hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm

Toàn cảnh buổi giám sát.

Vướng giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, như: đường Phạm Văn Đồng, đường vào cảng Phú Hữu, cầu vượt nút giao Gò Mây, nút giao thông Đại học Quốc gia, các cầu vượt kết nối đường Võ Văn Kiệt, cầu Nhị Thiên Đường I, ngã 6 Gò Vấp,… góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông tại nhiều khu vực, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, đầu tư kết nối hệ thống camera giám sát giao thông,...

Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng hầu hết các dự án đều triển khai chậm, khả năng không thể hoàn thành một số chỉ tiêu của Chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông - một trong 7 chương trình đột phá của thành phố, trong đó có tiến độ một số công trình giao thông trọng điểm của thành phố.

Về huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, mặc dù kỳ vọng rất lớn nhưng thực tế phần vốn đầu tư cho các dự án theo hình thức đối tác công tư PPP trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt con số khiêm tốn gần 17.000 tỷ đồng (đạt khoảng 13% so với nhu cầu).

Sở Giao thông Vận tải kiến nghị với đoàn nhiều nội dung, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn lớn nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, hiện đang mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ các công trình. Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố nói: "Một trong những khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. Chi phí cho công tác giải phóng mặt bằng rất lớn, chiếm trên 50% tổng mức đầu tư và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục. Việc tháo gỡ vấn đề này đến hiện nay vẫn rất khó".

Do Luật Đầu tư công

Theo ông Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, vướng mắc của các dự án hiện nay liên quan đến những điểm mới của Luật đầu tư công 2019. Theo quy định, chuyển tiếp vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025 sẽ không quá 20%. Nếu vượt tỷ lệ này sẽ vi phạm luật. Bên cạnh đó, nếu điều chỉnh dự án, phải chuyển cho các cơ quan chuyên môn là các sở ngành lập và trình dự án, chứ các Ban quản lý dự án không được phép lập dự án như trước. "Theo Luật năm 2014, cho phép các cơ quan chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Ủy ban, các ban, quận - huyện, các sở ngành đều được phép lập, đề xuất dự án. Nhưng Luật Đầu tư công 2019, chỉ có các cơ quan chuyên môn sở ngành và quận - huyện, không có các ban nữa. Thành ra đối với những dự án do các Ban làm chủ đầu tư, khi điều chỉnh phải chuyển các sở ngành lập hồ sơ, ở đây là Sở Giao thông Vận tải, lập đề xuất điều chỉnh. Phải làm theo quy định", ông Nguyễn Trung Anh cho hay.

Đối với việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch các dự án để đảm bảo sự đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác triển khai dự án, ông Nguyễn Đình Hưng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết cũng đã được tiến hành khẩn trương và nỗ lực. Sở phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông để tham mưu, điều chỉnh. Đối với dự án Vành đai 2, ông Nguyễn Đình Hưng cho biết Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng rất khẩn trương làm việc với UBND quận Thủ Đức để và có thẩm định. Về cơ bản, hiện nay đã đáp ứng yêu cầu, chỉ còn có chỉnh sửa về bản vẽ, hệ thống ký hiệu cho phù hợp với quy định để chuẩn bị trình thành phố. Từ đây đến cuối tháng 6 sẽ trình UBND Thành phố xem xét phê duyệt.

Cần rà soát, đánh giá khoa học, phối hợp đồng bộ để nâng hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT Thành phố phát biểu tại buổi giám sát.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm cho rằng, phát triển hạ tầng thành phố có nhu cầu rất lớn. Quyết định chủ trương đầu tư, thông qua các dự án đều là các dự án cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của thành phố hiện nay vẫn còn thua kém so với một số khu vực và quy hoạch giao thông của thành phố chậm so với quy hoạch được duyệt.

"Theo quy hoạch được duyệt thì đường Vành đai 2 đến năm 2020 hoàn thành nhưng đến nay dự án vẫn đang ì ạch. Đường Vành đai 3 cũng tương tự nhưng đến nay nhiều đoạn vẫn chưa đầu tư và chưa thể khép kín. Đường cao tốc, theo quy hoạch kết nối TPHCM với các vùng kinh tế khác sẽ có 5 tuyến nhưng đến nay chỉ mới có 2 tuyến", ông Trần Quang Lâm cho biết thêm.

Ông Trần Quang Lâm cũng cho rằng, trước các yếu tố khách quan như quy hoạch giao thông chậm, dân số tăng, phương tiện tăng nhưng từ năm 2015 đến nay, tình hình ùn tắc, tai nạn giao thông đều giảm. 172 dự án thuộc chương trình giảm ùn tắc, tai nạn giao thông thì đến nay đã có 78 dự án khởi công và 39 dự án hoàn thành.

Cần rà soát, đánh giá khoa học, phối hợp đồng bộ để nâng hiệu quả các dự án giao thông trọng điểm

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ đề nghị có tiêu chí ưu tiên, chọn dự án triển khai nhanh, tránh triển khai dàn trải các dự án giao thông.

Nghiên cứu đề xuất tháo gỡ

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ ghi nhận nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm hoàn thành và đưa vào khai thác đã phát huy nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các dự án kéo dài, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân như nút giao Mỹ Thủy (quận 2), cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (quận Bình Tân và Tân Phú),... Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ quan có việc khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt, sự phối hợp giữa các bên liên quan, đánh giá các mặt tác động của dự án chưa tốt, dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, phải điều chỉnh, tháo gỡ. Chủ tịch HĐND TP đề nghị Sở Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án và các bên liên quan cần chấn chỉnh những yếu tố chủ quan này.

"Đề nghị các đồng chí tập trung tham mưu, đề xuất, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để giải quyết dứt điểm những dự án kéo dài nhiều năm. Hay là các dự án chuyển tiếp vướng mắc do thay đổi của Luật Đầu tư công… Có giải pháp tham mưu cho thành phố trong việc thực hiện các dự án PPP, BT, BOT. Tránh tình trạng đầu tư thiếu trọng điểm, triển khai dự án dàn trải... Lưu ý xác định các tiêu chí ưu tiên, chọn dự án để đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào sử dụng", bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.